Ngành Tư pháp Bắc Giang: Gần dân, trọng dân theo gương Bác
Vì nhân dân phục vụ
Sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tiếp tục “cõng luật” về các thôn, bản để kịp thời tư vấn, tháo gỡ vướng mắc về pháp luật cho người dân. Tại xã Đại Lâm (Lạng Giang) một ngày cuối tháng 4, các trợ giúp viên đang tập trung giải thích vướng mắc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Hậu sao cho dễ hiểu nhất.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính. |
Anh Hoàng Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Do đặc thù công việc, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với người dân, nhất là người nghèo, người có công, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Vì thế, tôi luôn nỗ lực học Bác ở phong cách gần dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải thích luật để người dân dễ tiếp thu, thực hiện. Qua đó, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội”.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp cũng là nơi thường xuyên tiếp đón công dân đến giải quyết các thủ tục. Có thời điểm, chị Nguyễn Thị Như, chuyên viên tại đây giải quyết thủ tục cho gần 100 lượt công dân/ngày. Dù áp lực nhưng học Bác ở phong cách "hết lòng phụng sự nhân dân" nên chị luôn giữ nụ cười trên môi, giải thích cặn kẽ, chi tiết cho người dân. Do đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn luôn đạt tỷ lệ cao hơn 99%. Riêng năm 2019, Sở đã tiếp nhận và giải quyết hơn 600 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (năm 2018 chỉ có 25 hồ sơ); gần 2 nghìn trường hợp giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính (năm 2018 có 283 trường hợp), giúp tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân. Đây chỉ là 2 trong số hàng chục cá nhân điển hình trong việc học và làm theo Bác ở ngành tư pháp tỉnh.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, hằng năm, Sở Tư pháp đã phát động phong trào thi đua “Cán bộ ngành tư pháp tỉnh Bắc Giang học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sâu rộng trong toàn ngành. Mỗi tập thể, cá nhân đều ý thức được việc học Bác là phải thường xuyên, liên tục từ đó lựa chọn nội dung làm theo phù hợp. Đồng thời, coi trọng vai trò “đầu tàu” của người đứng đầu các phòng, địa phương.
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Việt Yên trao đổi công tác hòa giải ở cơ sở cùng đội ngũ hòa giải viên xã Hương Mai. |
Điển hình như ở Phòng Quản lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, nhiều năm qua, phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thành tích đó là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Sở và sự gương mẫu, trách nhiệm của đồng chí trưởng phòng. Ông Ngô Bắc Tiến, Trưởng phòng Quản lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho hay: "Học Bác sự liêm chính, khách quan, cẩn thận khi làm việc, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi không chỉ kiểm tra trên hệ thống văn bản, báo cáo mà còn đi thực tế tại cơ sở, gặp những người liên quan để có kết quả theo dõi chính xác, khách quan nhất".
Theo đồng chí Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp, việc học và làm theo Bác hiện đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhờ học Bác, mỗi cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống được nâng lên. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai việc học và làm theo Bác bằng những việc cụ thể, để xứng đáng với sự tin yêu mà Bác dành cho cán bộ, đảng viên ngành tư pháp; xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu tham mưu cho tỉnh thực hiện nhiệm vụ cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)