Ngăn ngừa nạn mua bán người
Chị N.T.L.H (SN 1997 - tên nhân vật đã thay đổi) nhà ở một xã ven thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cuối năm 2023 trở về nhà sau chuyến đi kinh hoàng đến Myanmar vì tin theo lời một đối tượng giới thiệu tìm việc làm. Tại Công an huyện Lục Ngạn, chị H kể lại, vào tháng 10/2022, một đối tượng tên là D.V.M (SN 1989) trú cùng xã liên lạc qua Zalo với chị và một số người khác, trong đó có hai người ở huyện Lục Ngạn để giới thiệu việc làm nhân viên tư vấn bán hàng tại Thái Lan. Theo lời M, những người đi làm sẽ được hưởng lương cao, công việc nhẹ nhàng, xuất cảnh hợp pháp sang Thái Lan.
Hội viên phụ nữ TP Bắc Giang thể hiện tiểu phẩm về phòng, chống mua bán người. |
Khi được các nạn nhân đồng ý đi Thái Lan làm việc, đối tượng hướng dẫn họ làm hộ chiếu rồi mua vé máy bay cho xuất cảnh sang Thái Lan theo diện du lịch. Những người này đến Thái Lan tiếp tục được sắp xếp xe ô tô đưa đến biên giới Thái Lan - Myanmar, rồi lên thuyền máy qua sông để vượt biên sang Myanmar (việc này không được thỏa thuận hay thông báo trước). Tại Myanmar, họ được đưa đến một công ty do người Trung Quốc làm chủ. Tại đây, các nạn nhân bị ép ký vào bản hợp đồng không mô tả vị trí công việc, mức lương được hưởng, chỉ có quy định thời gian làm việc từ 6 tháng đến 1 năm.
Những đối tượng này đã thu hết điện thoại di động của các nạn nhân để xóa toàn bộ dữ liệu liên lạc. Trong quá trình làm việc tại Myanmar, chị H và những người khác bị ép sử dụng thiết bị, nói chuyện điện thoại với người Việt Nam ở trong nước để lừa đảo. Tất cả bị ép làm việc liên tục 12 tiếng một ngày, mỗi ngày phải lừa được từ 10 người trở lên. Nếu không đạt được chỉ tiêu thì bị đe dọa, đánh đập, nhốt vào phòng riêng không cho ăn uống…
Thấy quá nguy hiểm và hoảng sợ, các nạn nhân xin được trở về Việt Nam thì các đối tượng yêu cầu họ liên lạc với người nhà để chuyển 150 triệu đồng/1 người vào số tài khoản do chúng chỉ định thì mới được rời khỏi công ty. Khi ra khỏi “địa ngục trần gian”, chị H và những người khác tiếp tục phải chi hàng chục triệu đồng để được đưa từ Myanmar về Thái Lan rồi sang Lào hoặc Campuchia về Việt Nam.
Vụ việc đang được Công an huyện Lục Ngạn phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh điều tra, bước đầu xác định được nhiều nạn nhân trên địa bàn huyện Lục Ngạn và một số tỉnh khác. Những người này bị đưa sang Myanmar trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11/2022, tất cả đều bị hấp dẫn bởi thông tin: “Công ty X Thái Lan tuyển nhân viên làm sale, game, lương cơ bản từ 30-40 triệu đồng/tháng, chưa tính hoa hồng...”.
Sau khi đưa được các nạn nhân đến khu vực không thể bỏ trốn, công ty dùng bạo lực để ép buộc họ làm việc. Để thoát ra, mỗi người phải mất hàng trăm triệu đồng, sau đó tìm mọi cách trở về quê nhà. Đối tượng mua, bán các nạn nhân là D.V.M ở huyện Lục Ngạn đã ra đầu thú.
Trong giai đoạn 2020-2023, lực lượng công an tỉnh tiếp nhận, giải quyết 4 vụ việc về tội mua, bán người, giải cứu 20 công dân là người Bắc Giang xuất cảnh sang các nước lao động bị các đối tượng xâm hại sức khỏe; giúp đỡ 4 nạn nhân bị mua, bán trở về địa phương sớm hòa nhập với cộng đồng. |
Tình trạng người dân bị lừa đưa ra nước ngoài làm việc hoặc mua, bán người không mới nhưng nhiều người vẫn bị sập bẫy. Theo số liệu của Công an tỉnh, trong năm 2023, toàn tỉnh khởi tố 3 vụ với 4 bị can về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Tội phạm mua, bán người thường đánh vào nhu cầu tìm việc làm của người dân, chúng sử dụng các mạng xã hội hoặc bằng cách “rỉ tai” từng người, đưa ra thông tin không chính xác.
Trong khi đó, một bộ phận người dân mất cảnh giác, cả tin, tự liên hệ tìm việc tốt, lương cao mà không cần qua thủ tục tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề… của các cơ sở được cấp phép. Để đấu tranh, phòng ngừa, cơ quan công an và các ngành, đoàn thể cùng chính quyền các cấp trong những năm qua đã đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật, phổ biến những thủ đoạn, hình thức lừa đảo, phương thức hoạt động của loại tội phạm này.
Trao đổi với Đại tá Nguyễn Hữu Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh được biết, tại Bắc Giang, trong giai đoạn 2020-2023, lực lượng công an tỉnh tiếp nhận, giải quyết 4 vụ việc về tội mua, bán người, giải cứu 20 công dân là người Bắc Giang xuất cảnh sang các nước lao động bị các đối tượng xâm hại sức khỏe; giúp đỡ 4 nạn nhân bị mua, bán trở về địa phương sớm hòa nhập với cộng đồng.
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tập trung nắm chắc tình hình, địa bàn để sớm phát hiện các đối tượng lôi kéo, tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép, hoạt động mua, bán người. Sử dụng các hình thức tuyên truyền đa dạng để chuyển tải những kiến thức về phòng, chống mua, bán người, nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua, bán người, giúp nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện các hành vi phạm tội mua, bán người. Khi phát hiện các biểu hiện nghi vấn hoặc các hành vi mua, bán người, cần kịp thời tố giác với cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)