Ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch vụ gửi hàng để phạm tội
BẮC GIANG - Để che giấu việc mua bán vũ khí và hàng cấm, các đối tượng tiến hành giao dịch qua mạng xã hội, sau đó sử dụng dịch vụ gửi hàng qua ô tô, bưu chính. Đây là thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn.
Địa bàn huyện Tân Yên có nhiều đối tượng hoạt động mua bán vũ khí, súng săn, súng dùng khí nén… Vì lợi nhuận, các đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh lực lượng chức năng; sử dụng mạng xã hội để liên hệ, thỏa thuận giá cả, phương thức giao nhận hàng. Người mua vũ khí, hàng cấm phải chuyển khoản, trả tiền trước; giữa người bán và khách hàng hầu như không biết gì về nhau vì đều ẩn danh, dùng thông tin “ảo” để giao dịch.
|
Tang vật là các loại linh kiện súng săn, đạn chì do Công an huyện Tân Yên thu giữ của đối tượng Nguyễn Văn Dũng (SN 1996) ở thôn Đông Lai, xã Song Vân. |
Gần đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Tân Yên đấu tranh, làm rõ Đinh Bá Dương (SN 1994), trú tại tổ dân phố Tiến Điều, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) có hành vi chế tạo, mua bán trái phép súng săn. Sau khi có đầy đủ chứng cứ, tài liệu, ngày 15/5, Công an huyện Tân Yên đã bắt giữ Dương. Tại cơ quan công an, Dương khai nhận, do biết một số người có nhu cầu mua súng nên Dương đặt mua các linh kiện trên mạng.
Sau đó liên hệ với khách hàng qua mạng xã hội để thống nhất giá cả, địa điểm nhận hàng. Khi khách mua súng chuyển khoản đủ tiền, Dương chia nhỏ các linh kiện, đóng thành nhiều hộp, ngụy trang thành các loại hàng hóa hợp pháp và gửi xe ô tô khách xuống bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Tại thời điểm bắt giữ, cơ quan điều tra thu 2 khẩu súng hơi khí nén PCP, hiện Công an huyện Tân Yên đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Thiếu tá Nguyễn Việt Hoài, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Tân Yên cho biết, thời gian qua, đơn vị liên tục phát hiện các vụ mua bán vũ khí, hàng cấm. Điểm chung là các đối tượng thường sử dụng mạng Zalo, Instagram để tiến hành mua bán. Khi vận chuyển, gửi qua xe ô tô hoặc đường bưu chính, dịch vụ chuyển phát hàng…, các đối tượng ngụy trang hàng cấm, linh kiện vũ khí thành phụ tùng xe máy, ô tô, đồ gỗ. Đơn cử như ngày 12/3, Công an huyện kiểm tra, phát hiện Nguyễn Văn Duy (SN 1991), trú tại tổ dân phố Tiến Thắng, thị trấn Nhã Nam có hành vi vận chuyển súng săn và chi tiết, cụm chi tiết súng săn.
Số hàng này được Duy chia nhỏ, đóng gói trong 94 hộp các-tông, bên trong mỗi hộp chứa các chi tiết, cụm chi tiết súng săn; ngoài ra còn có 203 hộp đạn chì. Tiếp đó, ngày 18/3, đơn vị kiểm tra, phát hiện Nguyễn Văn Dũng (SN 1996) ở thôn Đông Lai, xã Song Vân (Tân Yên) có hành vi tàng trữ súng săn, chi tiết, cụm chi tiết súng săn. Tang vật thu giữ gồm 107 hộp nhựa màu vàng, 23 hộp nhựa màu trắng, bên trong chứa các viên đạn chì; 16 ống giảm thanh, 15 khung súng, 8 bình hình trụ bằng kim loại, 12 nòng súng, 12 bộ tay cầm súng, 3 kính ngắm… được đối tượng đựng trong nhiều hộp, sẵn sàng đưa đi bán cho người mua.
|
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra hàng hóa gửi trên xe khách hoạt động tại quốc lộ 1 đoạn qua huyện Lạng Giang. |
Tìm hiểu về dịch vụ gửi hàng qua ô tô khách, xe tải, xe dịch vụ cho thấy loại hình này còn nhiều kẽ hở trong kiểm soát hàng hóa. Khách có nhu cầu chỉ cần đóng gói, cung cấp số điện thoại người nhận, thỏa thuận người gửi hoặc người nhận trả tiền là các xe sẵn sàng nhận chở hàng. Anh L.V.T, lái xe tuyến Bắc Giang - Hà Nội nói: “Tùy từng gói, thùng hàng nặng nhẹ, nhỏ gọn hay cồng kềnh mà chúng tôi lấy cước phí từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng. Do người gửi đóng kín hàng nên chúng tôi không biết bên trong có gì, kể cả hàng cấm, chỉ căn cứ số điện thoại người nhận để liên hệ trả hàng”.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị công an trong toàn tỉnh phát hiện, kiểm tra, xử lý 18 vụ với 18 đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép linh kiện lắp ráp súng hơi, vũ khí tự chế, thu giữ 11 khẩu súng, 430 linh kiện lắp ráp súng, gần 1,62 tấn đạn chì…, ra quyết định xử lý hình sự 1 vụ, 1 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 215 triệu đồng. |
Được biết, từ đầu năm đến nay, các đơn vị công an trong toàn tỉnh phát hiện, kiểm tra, xử lý 18 vụ với 18 đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép linh kiện lắp ráp súng hơi, vũ khí tự chế, thu giữ 11 khẩu súng, 430 linh kiện lắp ráp súng, gần 1,62 tấn đạn chì…, ra quyết định xử lý hình sự 1 vụ, 1 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 215 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho rằng, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, lái xe, phụ xe và người dân cần chấp hành nghiêm quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Không sản xuất, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép; không tiếp tay, giúp sức cho các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (trong trường hợp người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận, góp phần hạn chế việc các đối tượng lợi dụng loại hình dịch vụ vận tải để buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, vũ khí. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất...
Lực lượng công an sẽ tiếp tục tăng cường nắm tình hình địa bàn, các đối tượng nghi vấn, đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo phương châm “cắt đứt nguồn cung, đấu tranh trực diện, truy xét tận gốc”. Xác lập chuyên án, đấu tranh, bắt giữ các đường dây, băng ổ nhóm hoạt động chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tập trung xử lý hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ trên không gian mạng và qua dịch vụ vận tải, gửi hàng.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)