Nét đẹp tục kết chạ ở Tân Yên
"Chuyện đã xưa lắm rồi, tôi cũng chỉ được nghe ông nội tôi kể lại"- cụ Giáp Văn Hòa (92 tuổi) ở thôn Trại, xã Cao Xá (Tân Yên) nói vậy khi kể về tục kết chạ của Lăng Cao xưa. Được biết, Lăng Cao xưa là một xã của Tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế (Bắc Giang) với các thôn: Đồi Mụ, Hạ, Thị, Thượng, Trại, Trung. Chuyện rằng, tại Lăng Cao khi đó có ba anh em ruột lớn lên định cư ở ba nơi. Người anh cả ở tại Lăng Cao; em trai thứ định cư tại làng Mụa, còn gọi là làng Nghĩa Vũ ở xã Nghĩa Trung, còn cô em gái út về làng Hậu, còn gọi là làng Thiết Sơn, xã Minh Đức, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Cả ba anh em đều có công lao lớn trong việc trợ giúp nhân dân khai khẩn đất hoang, lập làng xóm nên sau đó đều được dân làng thôn thờ, coi như thành hoàng làng. Cũng từ đó, dân của ba làng đi lại và gắn bó, vui buồn đều chia sẻ với nhau. Vì gốc tích là ba anh em ruột thịt nên mới có chuyện trai gái ba làng không được lấy nhau.
Màn tế tại hội làng Đầu Cầu, xã Cao Thượng (Tân Yên) - nơi có tục kết chạ giữa làng Đầu Cầu và làng Ngoài, xã Cao Xá. Ảnh: Vương Lâm |
Lăng Cao bây giờ thuộc xã Cao Xá, gồm có 8 thôn: Chợ, Trại, Thượng, Hạ, Trung, Ngọc Yên Trong, Ngọc Yên Ngoài và Trung Lương. Tuy tục kết chạ xưa hầu hết các cụ đều nhớ bập bõm nhưng ngày nay vẫn được duy trì. Ông Giáp Văn Mâu, thôn Thượng, xã Cao Xá cho biết: Chúng tôi được truyền lại nên vẫn theo lối xưa mà làm. Cụ thể hội đình ở Lăng Cao vào mùng 6 tháng Giêng và 23 tháng 8, hội đình ở Mụa vào ngày 22 tháng Giêng, Xử lệ ở Hậu vào ngày mùng 8 tháng Giêng, dân của ba làng về chơi, thăm thú và đàm đạo chuyện trò. Thứ bậc thì vẫn như xưa, Lăng Cao là anh cả, tiếp đến là Mụa- anh hai, sau cùng là Hậu.
Không riêng ở Lăng Cao, thực ra tục kết chạ trên miền đất Tân Yên khá nhiều. Tiêu biểu như làng Hậu, xã Liên Chung kết nghĩa với làng Cao Thượng, xã Cao Thượng; làng Cao Thượng kết nghĩa với làng Ngoài, xã Cao Xá; làng Tiến Sơn, xã Hợp Đức kết nghĩa với làng Chuông, xã Nhã Nam… Chuyện để dẫn đến việc kết chạ cũng vô cùng phong phú, đó có thể là hai anh em ruột khi lớn lên về hai nơi sinh sống, hoặc dân làng giúp nhau chuyển gỗ làm đình, chùa, hoặc hỗ trợ nhau đánh đuổi giặc cướp giữ làng. Tựu trung lại, Yên Thế Hạ xưa vốn hoang sơ rậm rạp và các thôn làng kết ước kết chạ, tăng sức mạnh cộng đồng để cùng nhau sinh sống, giữ đất giữ làng.
Trong thập kỷ 70 thế kỷ XX, tục kết ước, kết chạ ở Tân Yên còn được nâng lên, mở rộng ra ngoài phạm vi của huyện và nay vẫn được rất nhiều người nhắc đến. Số là tháng 8-1971, tại tỉnh Bắc Ninh xảy ra trận lụt lịch sử hơn một tháng trời nhấn chìm ruộng vườn, nhà cửa cả một vùng phía Nam của tỉnh. Trong đó có các xã: Đình Bảng, Châu Khê, Tương Giang… thời gian ngập úng kéo dài hơn 40 ngày. Trận lụt đã làm nhân dân vùng này bị thiệt hại lớn về tài sản, vụ mùa bị mất trắng, có hộ thiếu đói trầm trọng.
Với tinh thần tương thân tương ái, Đảng bộ và nhân dân xã Cao Xá đã tận tình đón tiếp, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình từ Đình Bảng sơ tán đến sớm ổn định đời sống. Xã Cao Thượng đón đồng bào Châu Khê, xã Nhã Nam đón nhân dân Tương Giang, đồng thời tổ chức vận chuyển và chăm sóc đàn trâu bò của các địa phương này. Khi nước rút, đàn vật nuôi khỏe mạnh được đưa về chủ cũ kịp thời cày bừa phục vụ sản xuất.
Nhân dân các xã: Cao Xá, Cao Thượng, Nhã Nam đã gieo thêm hàng chục mẫu mạ, huy động xã viên xuống cấy lúa, trồng khoai giúp nhân dân vùng lụt. Tháng 9 - 1971, nhân dân Cao Xá kết nghĩa anh em với Đình Bảng, Cao Thượng với Châu Khê, Nhã Nam với Tương Giang và mối thâm tình vẫn được các địa phương này giữ gìn phát huy. Hằng năm, lãnh đạo các địa phương trên duy trì hoạt động thăm hỏi, chia sẻ động viên, giúp đỡ hộ nghèo nhằm phát huy tình cảm và mối quan hệ tốt đẹp sẵn có.
Châu Giang
Ý kiến bạn đọc (0)