Năm 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu giải quyết việc làm cho 32,2 nghìn lao động
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng công tác GDNN, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp.
Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 32,2 nghìn lao động, trong đó đưa 1,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN hoạt động trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho 30 nghìn người.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động; thường xuyên cung cấp thông tin thị trường lao động cho người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng và tư vấn về nghề nghiệp, chính sách đào tạo nghề và việc làm sau đào tạo đối với lao động trên địa bàn.
Chủ động, phối hợp với các Ban Chỉ đạo có liên quan của tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế trọng điểm nhằm giải quyết được nhiều việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp.
Quan tâm chỉ đạo thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín và tiềm lực tài chính để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế; thu hút một số ngành, nghề có nhu cầu sử dụng nhiều lao động mang tính thời vụ về khu vực nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động theo quy định của Luật Việc làm. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động.
Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tổ chức các nội dung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đôn đốc UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên phổ biến cho người lao động về nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn; định kỳ hàng quý tổng hợp nhu cầu học nghề, tìm việc làm của người lao động trên địa bàn và gửi cho Trung tâm Dịch vụ việc làm để phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Định hướng, chọn lựa các thị trường lao động có uy tín, thu nhập cao, ổn định, ưu tiên tuyển chọn lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện nghiêm túc hợp đồng lao động đã ký với người sử dụng lao động ở nước ngoài, không được tự ý phá vỡ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài.
Đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã nắm chắc thông tin hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoạt động du học trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tư vấn, tuyển chọn, thu tiền môi giới đi làm việc ở nước ngoài trái quy định pháp luật; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Tiếp tục cải tiến các thủ tục cho vay vốn nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động thuộc đối tượng vay vốn và đủ điều kiện vay vốn khi đã có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài.
Phát triển chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; nhu cầu học nghề được phân chia cụ thể theo từng loại đối tượng, từng ngành nghề và cấp trình độ đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với nhu cầu thực tế bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề.
Chỉ đạo các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN; mở rộng ngành nghề, quy mô đào tạo; bảo đảm chất lượng GDNN; tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.
Tăng cường và nâng cao chất lượng, năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động việc làm. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm trên địa bàn.
Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước; thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp nhằm phát hiện và kịp thời đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực dạy nghề, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động và bảo hiểm xã hội.
Ý kiến bạn đọc (0)