“Mùa xuân 1975, chúng tôi đi giải phóng Trường Sa”
BẮC GIANG - Tháng 4/1975, cùng với những đoàn quân thần tốc tiến về Sài Gòn, có một lực lượng đặc biệt được giao nhiệm vụ cũng rất đặc biệt, đó là lên chuyến tàu đi giải phóng Trường Sa. Trên chuyến tàu này có những người lính thuộc nhiều đơn vị, trong đó có 14 cán bộ, chiến sĩ cùng quê Việt Yên.
Câu chuyện tháng Tư
Trường Sa, quần đảo thiêng liêng, một phần máu thịt của Tổ quốc được giải phóng hoàn toàn khỏi sự chiếm đóng của quân ngụy vào ngày 29/4/1975. Nhớ lại mốc lịch sử này, 14 cựu chiến binh (CCB) cùng quê thị xã Việt Yên, cùng trên một chuyến tàu đặc biệt ấy ai cũng vinh dự và tự hào. “Những ngày đầu tháng Tư năm 1975, chúng tôi tập kết tại sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng) rồi được lệnh lên tàu. Tất cả đều bí mật, không ai biết mình đang đi đâu. Có chiến sĩ đóng tại Huế, Đà Nẵng - hai thành phố vừa được giải phóng - tưởng là lên tàu ra Bắc, được về nhà thì sung sướng lắm. Mãi sau khi tàu cập bến, mọi người mới vỡ lẽ là đang đi giải phóng Trường Sa” - ông Đỗ Mạnh Hoạch ở tổ dân phố Khả Lý Thượng, phường Quảng Minh kể.
Cán bộ, chiến sĩ xuống tàu ra đảo tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu. |
Đảo Song Tử Tây được giải phóng đầu tiên vào ngày 14/4. Ông Nguyễn Văn Kết ở tổ dân phố Dục Quang, phường Bích Động và ông Đỗ Mạnh Hoạch cùng tham gia giải phóng đảo này. Hai ông kể: Đảo dài hơn 1 km, chiều rộng đoạn hẹp nhất chỉ có 50 mét thôi. Những người lính đi trên tàu 200 tấn, không thể một mạch là vào đến nơi được. Ban ngày thì rút ra ngoài cây số 0, ban đêm tàu đưa bộ đội vào. Cứ 1 bộ đội đặc công kết hợp cùng với 2 bộ đội bộ binh di chuyển bằng thuyền cao su. Vào gần đến đảo thì tất cả rời thuyền, đặc công bám địa hình trinh sát, bộ binh bí mật bơi vào đảo.
Khi trời tang tảng sáng tất cả hẹn nhau ra giữa cây số 0 lập sa bàn, lên kế hoạch. Sau đó, đặc công chia làm 3 mũi bí mật áp sát vào đảo. Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, rạng sáng ngày 14/4, bộ đội ta bắt đầu nổ súng. Sau gần 20 phút chiến đấu, trước sức áp đảo bất ngờ của ta, địch phản ứng yếu ớt, buộc phải đầu hàng, ta bắt sống tên thiếu úy chỉ huy và 38 tên khác, thu toàn bộ vũ khí trang bị trên đảo. Cờ của địch nhanh chóng bị hạ xuống, cờ giải phóng của Việt Nam được kéo lên tung bay phần phật trên đảo, báo hiệu ta làm chủ hoàn toàn trận đánh ở Song Tử Tây.
Song Tử Tây được giải phóng làm cho quân địch trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động. Lấy chiến thắng tại Song Tử Tây làm bàn đạp, chớp thời cơ đó, lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/4, ta sử dụng 2 tàu chở lực lượng từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca. Khi còn cách đảo Sơn Ca chừng 2 hải lý, lực lượng được chia làm 3 mũi đổ bộ lên đảo và bắt đầu trinh sát. Khi thời cơ chín muồi, quân ta nổ súng tấn công. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt rồi hốt hoảng bỏ chạy, đầu hàng. 3 giờ sáng 25/4, ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca, tiêu diệt và bắt sống 25 tên địch, tịch thu vũ khí cùng toàn bộ quân trang.
Sau khi quân ta giành được Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của địch trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Nam Yết mặc dù là trung tâm chỉ huy của địch trên quần đảo Trường Sa nhưng chúng vẫn không thể kháng cự được. Ông Nguyễn Văn Tâm, tổ dân phố Đồn Lương, thị trấn Bích Động – người chiến đấu trên đảo Nam Yết kể: Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân Giải phóng, chỉ huy của địch buộc phải rút chạy. Chớp thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng giải phóng đảo. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, ta hoàn toàn làm chủ Nam Yết. Nghe tin quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn đã hoang mang dao động, rút chạy từ sáng 27/4 nên lực lượng ta đổ bộ thuận lợi. Ngày 28/4, ta làm chủ hoàn toàn đảo này.
Trong số 14 người đi giải phóng Trường Sa, người đi xa nhất và trụ lại lâu nhất ngoài đảo là ông Bùi Ngọc Xuyên, CCB thôn Tân Sơn, xã Trung Sơn. Ông Xuyên đi bộ đội từ năm 1968, tham gia trận đánh Tết Mậu Thân ở Sài Gòn. “Tôi đi tàu không số từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn, chỉ có những người là đảng viên mới biết đi đâu, còn quần chúng không được biết (ông Xuyên vừa được kết nạp Đảng). Chúng tôi nguỵ trang trên chiếc tàu đánh cá, từ Quy Nhơn tiến thẳng ra đảo Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa). Biết thông tin quân ngụy bị thua trong đất liền nên địch tự bỏ đi hết. Khi chúng tôi ra đến nơi chỉ còn lại trơ đảo”. Đến sáng 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ và làm chủ đảo Trường Sa.
Nghĩa đồng đội, tình đồng hương
Sau khi giải phóng, làm chủ Trường Sa, những người lính không về ngay đất liền mà ở lại giữ đảo cho đến tháng 6/1976 tất cả mới trở về. Một số người tiếp tục đi chiến đấu. Ông Kết tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, là thương binh hạng 4/4. Còn ông Xuyên tranh thủ 7 ngày về quê cưới vợ, rồi quay lại đảo Trường Sa làm nhiệm vụ, đến tháng 9 năm sau mới về. Ra quân, mỗi người mỗi công việc, có người làm cán bộ ở địa phương, còn lại đa số ở nhà làm nông nghiệp. Tất cả nay đã ngoài 70 tuổi, con cháu đuề huề, cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng không thiếu thốn.
Những CCB đi giải phóng Trường Sa ôn lại thời binh nghiệp. |
Sau giải phóng, cả 14 CCB chưa một lần được quay lại các đảo. Những vật dụng ghi nhớ chỉ là tấm ảnh Bác Hồ với Hải quân Việt Nam có đóng dấu đỏ của Quân chủng Hải quân với dòng chữ “Đã tham gia bảo vệ Trường Sa”, là tấm Huy hiệu toàn thắng Xuân 1975, có ông giữ được chiếc mỏ neo, còn lại chỉ là ký ức. Hằng ngày, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy các đảo được Đảng, Nhà nước, quân đội cùng nhân dân cả nước quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp nhiều công trình về phát triển kinh tế biển và giữ vững quốc phòng - an ninh, các CCB cảm thấy rất vui mừng.
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Hải quân Nhân dân Việt Nam (5/8) hằng năm, 14 CCB Trường Sa (gồm các ông: Kết, Hoạch, Tâm, Đô, Tứ, Cường, Thắng, Hùng, Sâm, Thế, Uông, Nguyệt, Phượng, Xuyên) lại tổ chức gặp mặt, cùng ăn bữa cơm, nâng chén rượu mừng. Bên cạnh nghĩa đồng đội, ở họ còn có tình đồng hương. Họ gặp nhau để cùng ôn lại khoảng thời gian hơn một năm bám đảo, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, chỉ có bắp cải, rau muống phơi khô, sâm nam, con vích (rùa biển) tự đánh bắt… làm thực phẩm, để thấy cuộc sống hòa bình hôm nay quý giá, đáng trân trọng biết nhường nào.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)