MTTQ các cấp huyện Hiệp Hòa góp sức vì thôn xóm đoàn kết
Từ năm 2014, xã Đoan Bái đã về đích NTM. Không dừng lại ở đó, cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây tiếp tục phấn đấu cuối năm nay đạt xã NTM nâng cao, thôn An Lập đạt thôn NTM kiểu mẫu.
Hội viên Hội Người cao tuổi thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn biểu diễn múa trống trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân năm 2019. |
Ông Đặng Văn Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Ngay khi dịch Covid-19 tạm lắng, MTTQ tích cực tham gia phối hợp giải quyết nhiều việc khó, chủ yếu liên quan đến xây dựng thiết chế văn hóa để hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Đơn cử như tại thôn An Lập thi công 3 công trình gồm: Xây rãnh thoát nước dọc đường trục thôn, cổng và nhà vệ sinh nhà văn hóa.
Sau khi dự toán khối lượng công việc và kinh phí cấp trên hỗ trợ, số còn lại huy động nhân dân, cấp ủy, ban quản lý thôn và ban công tác mặt trận thôn tập trung tuyên truyền hơn 130 hộ dân đồng thuận ủng hộ với mức 700 nghìn/hộ. Tổ giám sát cộng đồng được thành lập, tích cực hoạt động góp phần để các công trình xây dựng theo đúng thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu bảo đảm, không để thất thoát.
Tại xã Đông Lỗ, không chỉ tích cực vận động nhân dân xây dựng NTM, đời sống văn hóa, ở các khu dân cư, ban công tác mặt trận còn phối hợp với tổ chức đoàn thể giải quyết những vấn đề "nóng", liên quan đến tranh chấp. Trên địa bàn xã có 2 tuyến đường nhánh và đường vành đai IV được khởi công xây dựng.
Các tuyến này đi qua khu dân cư, ruộng canh tác của hơn 2 nghìn hộ dân. Vướng mắc nảy sinh khi một số hộ trước đây ruộng nằm ở vùng đất trũng, nhiều thửa không rõ ràng về ranh giới, ảnh hưởng đến tiến độ đo đạc trên thực địa và giải quyết chính sách hỗ trợ. Có gia đình kiến nghị Nhà nước nâng mức giá bồi thường mới bàn giao tài sản.
Cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã và các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, lấy cán bộ, đảng viên gương mẫu ký biên bản bàn giao đất cho đơn vị thi công, vận động người thân trong dòng họ chấp hành. Nhờ đó, đến nay nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết, an ninh trật tự ở địa phương ổn định.
Gần đây nhất là trường hợp mâu thuẫn trong gia đình bà Hoàng Thị T, thôn Chằm liên quan đến tranh chấp tài sản nhà đất. Vụ việc phát sinh từ năm 2016, sau nhiều lần cán bộ MTTQ các cấp tuyên truyền, tổ chức hòa giải, đến đầu năm 2020 bà T đã đồng ý rút đơn khiếu kiện.
Tiếp tục nâng cao vị thế
Trao đổi với ông Ngô Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện được biết, trên địa bàn hiện có nhiều thôn, xã đang trong lộ trình xây dựng NTM hoặc nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị nên nảy sinh vướng mắc liên quan đến quyền lợi người dân, nếu không kịp thời phát hiện, giải quyết thì từ vướng mắc nhỏ rất dễ trở thành điểm nóng phức tạp. Do vậy, ngay từ đầu năm, Ủy ban MTTQ huyện đã rà soát nhiệm vụ trọng tâm, việc khó từ cơ sở để xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện phù hợp.
5 năm qua, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện đã tham gia giám sát đầu tư 125 công trình, qua đó phát hiện, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý 12 vụ việc và 19 công trình vi phạm, thu hồi cho nhà nước và nhân dân hàng trăm triệu đồng. |
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, năm 2019, MTTQ huyện Hiệp Hòa đã chủ trì giám sát việc thực hiện Kết luận số 43-KL/TU của BTV Tỉnh ủy về giải quyết vấn đề này ở trên địa bàn huyện.
Qua giám sát đã chỉ ra một số tồn tại như: Hoạt động của tổ vệ sinh môi trường một số nơi còn hạn chế, công suất của lò đốt rác chưa đáp ứng được yêu cầu, việc thu phí vệ sinh môi trường có nơi thiếu triệt để.
Các ý kiến này sau đó đã được các xã, thị trấn quan tâm khắc phục, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Ví như tại xã Mai Đình, xã đã giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập tổ vệ sinh môi trường ở các thôn, bổ sung kinh phí mua sắm dụng cụ thu gom không để rác thải tồn lưu trên đê tả Cầu và trong khu dân cư.
Kinh nghiệm để giải quyết sớm các vấn đề phát sinh từ cơ sở tại Hiệp Hòa đó là huyện chú trọng xây dựng các mô hình tổ liên gia, khu dân cư tự quản. Toàn huyện hiện có 181 khu dân cư với hơn 1,3 nghìn tổ liên gia bảo vệ môi trường. 100% khu dân cư có tổ hòa giải với hơn 1,5 nghìn hòa giải viên mà thành viên là cán bộ MTTQ và các tổ chức đoàn thể.
5 năm qua, các tổ hòa giải đã tiếp nhận gần 1,4 nghìn vụ việc, trong đó hòa giải thành công 1,2 nghìn vụ (84,1%), chủ yếu liên quan về đất đai, mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ xóm làng; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong lĩnh vực dân sự, quan hệ hôn nhân gia đình.
Tiếp tục phát huy kết quả trên, phấn đấu đưa Hiệp Hòa trở thành huyện NTM vào năm 2021, thời gian tới, Ban Thường trực MTTQ huyện tiếp tục duy trì hoạt động giao ban với lãnh đạo MTTQ các xã, thị trấn để kịp thời nắm tình hình, có những giải pháp chỉ đạo phù hợp.
Quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là tham gia giám sát đầu tư xây dựng cộng đồng có sử dụng kinh phí từ ngân sách và nhân dân đóng góp. Chú trọng công tác tiếp xúc cử tri, nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các giải pháp tháo gỡ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)