Một số lĩnh vực mở cửa trở lại năm 2022
Từ ngày 1/1, Chính phủ đã quyết định khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là 9 thị trường Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles.
Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Hiện nay, Cục Hàng không đã đàm phán và mở thành công đến 8 thị trường, chỉ còn đường bay đến Trung Quốc chưa được nhà chức trách hàng không nước này chấp thuận.
Sau nửa tháng thực hiện, các hãng hàng không kiến nghị mở đường bay đến các thị trường châu Âu và Australia. Chính phủ đã cho phép nối lại đường bay thẳng đến các thị trường này để đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam về nước dịp cuối năm.
Trước Tết, Vietnam Airlines đã thực hiện một số chuyến bay thẳng thường lệ đến Australia, Anh, Pháp, Đức. Sau Tết nguyên đán, hãng Bamboo Airways tiếp tục khai thác đường bay thẳng đến Đức, Anh, Australia.
Theo quy định phòng dịch, hành khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam được yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính PCR. Người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày; chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày. Chính phủ đã bãi bỏ quy định xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống tàu bay.
Về mở cửa trường học, ngày 28/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước Tết Nguyên đán, 14 tỉnh, thành cho học sinh trực tiếp đến trường; 30 nơi khác tổ chức dạy kết hợp; 19 địa phương còn lại chỉ dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Học sinh tại TP HCM trở lại trường, tháng 11/2021. Ảnh: Quỳnh Trần |
Tổng số học sinh được đến trường là gần 15,7 triệu (trong số hơn 22,6 triệu), chiếm 69%; trong đó tỷ lệ học sinh THPT được đi học trực tiếp là cao nhất, chiếm 89%, mầm non thấp nhất với chỉ 65%.
Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến đến 7/2, tổng số học sinh được đến trường sẽ tăng lên thành hơn 17,1 triệu, tức 75,71% học sinh cả nước. Trong đó, 100% học sinh THPT trở lại học tập bình thường. Sau dịp Tết Nguyên đán, tất cả 63 tỉnh, thành cho học sinh THPT đi học; 57 địa phương cho khối THCS đến trường; 53 địa phương cho khối tiểu học đến trường; khối mầm non có 51 địa phương cho trẻ đến trường.
Riêng với đại học, cao đẳng, khoảng 91% số trường có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp sau Tết. Hiện, hàng chục trường ở Hà Nội và TP HCM đã thông báo thời gian sinh viên trở lại trường.
Hôm 24/1, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết cùng với việc mở cửa trường học, Bộ đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm.
"Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, các nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học", Bộ trưởng nói.
Ngày 29/1 (28 Tết), Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương chuẩn bị chu đáo cho việc mở cửa trường học; công bố kịp thời quy trình, điều kiện, lộ trình với thời gian cụ thể việc mở cửa trường học. "Tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giảm tối đa lo lắng của phụ huynh học sinh", lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.
Về mở cửa du lịch, ngày 29/1, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Y tế quyết định việc mở lại các hoạt động đón khách, chậm nhất vào dịp 30/4. Thủ tướng nêu rõ, tinh thần mở cửa là không ồ ạt, có tổ chức, lộ trình, an toàn.
Hiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Chính phủ lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, trong đó từ nay đến 30/3 tiếp tục thí điểm đón khách, mở rộng diện khách, phạm vi đón. Địa phương đã phủ xong mũi ba hoặc vùng xanh được đón khách.
Khách du lịch khi đến Việt Nam cần xét nghiệm tại khách sạn, sau đó có thể đến các nơi đã mở cửa, không phân biệt khách nội địa với khách quốc tế; không hạn chế thời gian đi du lịch.
Từ 31/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế.
Khách đến Việt Nam phải tiêm đủ liều vaccine hoặc từng là F0 khỏi bệnh; xét nghiệm PCR âm tính trong 72h; mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu 50.000 USD. Trẻ em và người chưa tiêm đủ liều sẽ có quy định riêng. Các doanh nghiệp đủ điều kiện đều được tham gia đón khách tại tất cả các cửa khẩu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cuối tháng 3 "là thời điểm thích hợp để mở cửa du lịch quốc tế". Bởi dự kiến đến thời điểm này, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm mũi ba cho tất cả dân số trưởng thành, bảo đảm miễn dịch cộng đồng. Nếu mở cửa chậm hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế trong khi nhiều nước trong khu vực cũng đang có kế hoạch khôi phục ngành du lịch.
Thời gian từ nay đến cuối tháng 3 đủ để các đơn vị điều chỉnh quy định và ban hành hướng dẫn triển khai. Các doanh nghiệp cũng kịp hoàn thiện và làm kế hoạch truyền thông, quảng bá, kết nối thị trường, chuẩn bị đón khách.
Tháng 5/2022, Việt Nam sẽ đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31), nên việc công bố mở cửa du lịch sẽ góp phần gia tăng sức hút với du khách.
Ngày 17/11/2021, 29 du khách từ nhiều quốc gia đã đến Hội An, mở đầu cho chương trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam, sau hơn 20 tháng đóng cửa vì Covid-19. Sau đó, thêm nhiều đoàn đã tới Khánh Hòa và Phú Quốc. Hiện, có 7 địa phương được tham gia thí điểm đón khách quốc tế gồm Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, TP HCM và Bình Định.
Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, Việt Nam đã đón 8.500 khách, chủ yếu từ Nga, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ. Khách cơ bản được bảo đảm về mặt y tế, an toàn dịch bệnh.
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự cố khẩn cấp y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng sau Tết Nguyên đán là thời điểm thích hợp để mở cửa đồng bộ các hoạt động kinh tế - xã hội.
Ông phân tích, Việt Nam đã chuyển sang chủ trương thích ứng an toàn Covid-19, chấp nhận có ca nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, cần bảo đảm các trường hợp nhiễm bệnh không bị nặng hoặc tử vong, gây quá tải hệ thống y tế. Đến nay, cả nước đã phủ vaccine mũi một cho tất cả dân số trưởng thành; 96% dân số được tiêm đủ liều; 22% tiêm mũi ba. 95% trẻ trừ 12 - 17 tuổi tiêm mũi một; 86% đã tiêm đủ liều.
"Thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều hoạt động đã được nới lỏng và Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Như vậy, chúng ta vừa có cơ sở lý luận, vừa có cơ sở thực tiễn để tiếp tục mở cửa", PGS Trần Đắc Phu nói, lưu ý việc mở cửa cần có biện pháp đảm bảo an toàn.
Ông Phu cho rằng, Việt Nam nên tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh hơn nữa, bởi nhiều người ở nước ngoài đã tiêm vaccine; nới lỏng chính sách nhập cảnh sẽ kích thích du lịch phát triển.
Về mở cửa trường học, ông Phu nhấn mạnh, trẻ nhiễm Covid-19 chủ yếu có triệu chứng nhẹ. Vì vậy, các địa phương "không nên đợi đến khi đạt miễn dịch cộng đồng trong trường mới cho học sinh đi học".
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)