Một ngày về Tây Yên Tử
Xa quê hơn 40 năm, tôi vẫn nhớ mãi những vạt rừng rực rỡ hoa sim tím đầu hè, những ngày nhặt hạt dẻ dịp khai trường. Đầu năm vừa rồi, Tây Yên Tử mở hội Xuân, khai trương tuyến cáp treo và cũng từ đó, trong tôi luôn háo hức một chuyến du ngoạn...
Chùa Thượng Tây Yên Tử. Ảnh: Thành Sơn |
Tính ra, từ Hà Nội đến chân núi Tây Yên Tử cũng chỉ chừng hơn trăm cây số. Thế mà dùng dằng mãi, cuối xuân rồi sang hạ, đến tận một ngày cuối thu tôi mới có dịp cùng hai người bạn công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư thực hiện chuyến ngược rừng. Thôi thì cả tuần, cả tháng, cả năm vất vả, cũng phải có ngày thư nhàn, ngao du sơn thủy.
Từ TP Bắc Giang theo đường tỉnh 293 (còn gọi tuyến đường tâm linh, chiều dài toàn tuyến 74 km) chúng tôi theo hướng lên Lục Nam. Thuộc miền trung du, Lục Nam là vùng đất của các loại hoa màu, nào khoai sọ, củ đậu, cà chua, su hào, hành, tỏi. Làng xóm viền theo chân đồi, bên những ao, hồ nước thơ mộng. Có đoạn đường rộng, thẳng, dài đến cả chục km. Sang bên kia sông Lục Nam là tiến dần vào nơi cửa rừng.
Đến suối Mỡ, chúng tôi dừng lại nửa tiếng. Vì mấy anh em đều đã từng lên đền Thượng, khu thác nước nên lần này chỉ ghé qua đền Hạ, nơi thờ Quế Mỵ Nương. Ngay trước cửa đền có một cây đa và ba cây gạo cổ thụ đã được vinh danh cây di sản. Kể ra, nếu có thời gian thăm thú Khu du lịch sinh thái suối Mỡ cũng mất cả ngày song không thể nấn ná được, chúng tôi buộc lòng lên xe.
Như đã hẹn trước, đến dốc Nhân Lý, xe dừng lại đón thêm hai bác và cũng là chỗ anh em thân tộc. Một bác tên La Văn Phai, năm nay tuổi gần tám mươi. Vào những năm 1965 - 1968, bác ở mặt trận Tây Nguyên, sau bị thương, mảnh đạn găm vào chân, bụng, vẹt cả đỉnh đầu. Là thương binh nặng vậy mà về phục viên vẫn làm được nhà cao cửa rộng, có liền năm người con trai, có khu vườn trên đất núi với đủ loại cây, lại vẫn tham gia công tác xã hội, trúng cử HĐND tỉnh thời hai tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh còn chung tên Hà Bắc.
Bác còn lại là La Văn Tuyển, chưa đến bảy mươi, từng có đến chục năm tham chiến giúp nước bạn Campuchia, nhiều năm tham gia cán bộ mặt trận xã. Bác hay nói hay cười, chăm đi chơi mà cũng chăm cuốc đất, có thể cuốc từ sáng đến trưa, từ chiều đến tối.
Có thêm hai bác "thổ công", câu chuyện xôm hẳn lên. Này là cầu Đồng Đỉnh. Sao lại gọi Đồng Đỉnh nhỉ? Thì bởi đi đến đây là nơi tột đỉnh núi non còn có cánh đồng cùng cực này nên gọi luôn là Đồng Đỉnh, với nghĩa cánh đồng nơi đỉnh non cao.
Thế rồi nhiều người đọc chệch, biến âm đi thành Đủng Đỉnh. Phải đấy, đường núi thì cứ phải đủng đỉnh mà đi, mãi rồi cũng tới. Rồi người ta cũng gọi, cũng viết, cũng ghi thành tên địa danh Đủng Đỉnh. Thôi thì Đồng Đỉnh hay Đủng Đỉnh cũng có sao?
Xe chầm chậm giữa những cánh rừng, dãy núi, cây cầu. Lác đác bên rừng là những lán trại, trang trại. Chừng hơn nửa thế kỷ về trước, nơi đây vẫn còn nhiều hổ, báo, hươu, nai, khỉ, lợn rừng, nay thì hầu như tuyệt chủng. Đi chừng hơn chục cây số nữa thì đến Đèo Bụt. Đèo dài chừng ba cây số, coi như đường phân thủy hai huyện Lục Nam - Sơn Động. Có người nói tuyến đường này “đẹp như mơ” kể cũng đúng. Đường vắng.
Người vắng. Lâu lâu mới thấy một bóng xe máy đi qua. Ngang sườn núi, bóng nón trắng ẩn khuất sau bãi sắn, nương ngô. Mấy con trâu bình yên gặm cỏ. Ngàn lau trắng phơ phất lay động bên vệ đường, bên khe nước, trải dài khuất nẻo về cuối cánh rừng. Không cầm lòng được, ông Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Bạch Hồng Việt dừng xe ngay trên đỉnh đèo.
Du khách hành hương lên chùa Đồng từ phía Tây Yên Tử. Ảnh: Tuấn Anh |
Vươn tay, vươn vai. Tha hồ hít thở. Ngực nở nang, khoan khoái. Nhìn ngang sang bên kia là dãy núi Phật Sơn. Tầng tầng lớp lớp núi cao núi thấp. Sương thu giăng kín lũng núi, chỗ dày chỗ thưa, có khi tan loãng rồi đong đưa lên ngang cánh rừng, ngang núi, lơ lửng từng chùm trên đỉnh núi cao.
Một thôi đường nữa là đến trung tâm xã Tuấn Mậu. Nơi đây có bản người Dao Thanh Y được coi là “miền gái đẹp”. Truyền rằng họ là hậu duệ những cung tần mỹ nữ từ thời Trần xa xưa lưu trú ở miền non cao rừng thẳm này. Trộm nghĩ rằng suối Giải Oan ở bên Đông Yên Tử, một ngày các cung tần mỹ nữ tuyệt vọng trẫm mình dưới suối.
Có mấy cô chẳng chịu chết oan, rủ nhau ngược suối băng rừng, ngày tìm hoa trái, đêm ngủ trên cây, lần hồi qua nửa tuần trăng thì sang tới bản Mậu. Họ ở lại cùng các chàng trai người Dao. Ấy là nơi thâm sơn cùng cốc với vài chục nóc nhà, qua bao thế kỷ vẫn như một cõi Đào Nguyên. Rồi họ sinh con, đời này qua đời khác…
Qua bãi đỗ xe, cả đoàn vào thăm khu chùa mới dựng trên ngọn đồi cao. Xung quanh vẫn còn nhiều màu đất đỏ. Có thể phải trải mươi, hai mươi năm nữa, nơi đây sẽ đượm màu cổ tích. Màu đất đá sẽ phai dần theo năm tháng. Cây xanh sẽ mọc lên thành cổ thụ, trùm lên quanh những lối đá, xòe tán bên những mái ngói thâm u.
Trên đường ngược lên ga cáp treo, chúng tôi gặp một bác đang quét lá cây. Bác dừng tay một chút rồi nhẹ nhàng: “A di đà Phật! Các bác đi vãn cảnh chùa ạ!”. Một câu nói, một cảnh tượng đáng nhớ. Con người sống giữa nơi cảnh thanh cũng trở nên thanh cảnh. Một cái gì đã là, đang là và sẽ là phong thái, nếp sống con người giữa miền non thiêng Yên Tử.
Tuyến cáp treo thưa người. Ca bin rùng rùng chuyển động. Ngay dưới đây là khe núi, là cánh rừng nguyên sinh. Đúng là rừng nguyên sinh, tầng tầng lớp lớp cây cao bóng cả. Đến khu lõi này thì gần như không thể có lâm tặc nữa. Chỉ hơn mười phút, chúng tôi đã ở trên đỉnh núi với độ cao xấp xỉ cả ngàn mét. Tuy nhìn thấy chùa Đồng kia rồi nhưng cũng phải khuất khúc ruột dê đến cả tiếng đồng hồ mới lên tới nơi. Lối đá mòn được sang sửa phẳng phiu.
Cây cối lưa thưa. Cỏ gianh lưa thưa. Cây cỏ trên đỉnh núi đá cao thường ít lá, trơ thân cành khẳng khiu, trông thật phiêu diêu. Hai bên đường là những vạt trúc, có chỗ mới được trồng thêm. Thấp thoáng thấy cả mấy bụi cậm cang, chu méo, rau sam, tầm bóp…
Trước khi lên chùa Đồng, gần đại tượng Trúc Lâm Trần Nhân Tông là tượng đá thầy thuốc đạo sĩ An Kỳ Sinh. Bất ngờ chúng tôi gặp đoàn nhà báo Hà Nội, lại gặp đoàn khách Hàn Quốc. Ai cũng nói cười động viên nhau cố lên đi, một tí nữa...
Tiếng trò chuyện chìm nhanh trong gió thoảng, giữa thinh không. Nhìn về bên này - Tây Yên Tử thanh tĩnh, núi xanh trập trùng, bên kia là Đông Yên Tử. Trời trong, gió nhẹ, nắng thu hoe vàng, hơi thu se lạnh, đất trời giao hòa, cõi Phật cõi người như hư như thực…
Phải chăng Tây Yên Tử ngày càng hút du khách gần xa cũng là bởi không khí trong lành, cảnh vật yên tĩnh. Bên chân sườn Tây Yên Tử, một Khu du lịch sinh thái - tâm linh đang hình thành, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên bước đường hành hương về cõi Phật.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)