Mẹ bạo hành con gái ở TP Hồ Chí Minh
Xem qua những đoạn clip được chia sẻ trên mạng ghi lại cảnh bé gái ở quận Phú Nhuận, TPHCM bị mẹ đánh, lấy ghế đập liên tiếp vào đầu một lần nữa thấy ngộp thở về cảnh bạo hành trẻ. Mà trong vụ việc này, khủng khiếp hơn, đây là cảnh mẹ bạo hành con gái ruột, với những cú đòn tung ra như với kẻ thù.
Người mẹ điên cuồng đấm đá liên tiếp vào người con, dùng dép, ghế đánh tới tấp lên đầu đứa trẻ khi cháu đang ngồi ở bàn. Phản kháng duy nhất của đứa trẻ lúc đó là giơ tay che đầu, đỡ những cú đánh của mẹ. Có những đoạn clip xuất hiện người can ngăn nhưng người mẹ vẫn không nương tay.
Ngày 24/3, chị H.T, dì ruột của cháu K, em gái của người mẹ cũng là người lên tiếng về sự việc để tìm cách cứu cháu gái, cho biết hiện cháu K. đang an toàn. Bản thân chị không gặp áp lực khi lên tiếng về sự việc chị gái đánh đập con.
Được biết, cháu bé tên K, đang học lớp 6 tại một Trường THCS ở TPHCM. Sau khi nắm bắt thông tin, Công an quận Phú Nhuận, TPHCM đã vào cuộc điều tra, mời những người liên quan lên làm việc.
Lời khai ban đầu, người mẹ nổi nóng đánh con xuất phát từ những áp lực cơm áo gạo tiền và những vấn đề khác trong cuộc sống.
Theo số liệu từ Tổng đài 111, năm 2021, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 72,84% tăng 5,3% so với năm 2020.
Bà Nguyễn Minh Kiều, chuyên gia tham vấn học đường tại TPHCM chia sẻ, trong quá trình tiếp xúc với trẻ, chị nhận thấy, nhiều cha mẹ độc hại có những hành động vượt xa giới hạn quan điểm "thương cho roi cho vọt", nhiều người xem con như món nợ, như kẻ thù để trút mọi uất ức, tức giận, bực bội, bế tắc.
Mọi vấn đề trắc trở trong cuộc sống của mình, có người quay sang đổi lỗi lên đầu con trẻ, cho rằng "vì con mà mình ra nông nỗi đó", hoặc khi tức giận bất cứ điều gì cũng trút vào con.
Trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng phức tạp, ảnh hưởng của dịch bệnh, khó khăn..., theo bà Kiều, nguy trẻ bị bạo hành ngay trong gia đình càng tăng cao. Những vụ việc được nhìn thấy, phanh phui mới là bề nổi. Thực tế là phần chìm, rất nhiều đứa trẻ đang bị tra tấn, đày đọa ngay trong gia đình. Việc này cũng như để lại những hậu quả lâu dài trên cuộc đời các em.
Theo đuổi hành trình bảo vệ trẻ em, luật sư Lê Ngọc Luân nêu quan điểm, bảo vệ trẻ không thể chỉ bằng sự tức giận, ồn ào, sục sôi của dư luận sau những vụ việc. Khi sự việc chìm xuống, dư luận lại dễ quên đi mối nguy cơ bị bạo hành, xâm hại với trẻ nhỏ.
Bảo vệ trẻ em, theo đó, là việc phải quan tâm hằng ngày, hằng giờ ngay trong mỗi người, mỗi gia đình, nhà trường, hàng xóm, khu dân cư...
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)