Mạng ảo, lừa đảo thật
Muôn kiểu lừa đảo
Mặc dù các cơ quan chức năng khuyến cáo, tuyên truyền thường xuyên nhưng thời gian qua vẫn có không ít người “sập bẫy” lừa đảo trên không gian mạng. Thậm chí nhiều người bỏ qua sự khuyên nhủ, can ngăn của người thân để lao vào như thiêu thân, chuyển cho các đối tượng lừa đảo số tiền lớn, khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn, không thể lấy lại tài sản.
Nhóm đối tượng trú tại tỉnh Bình Dương lập các trang web chiếm đoạt tiền của khách hàng đặt vé máy bay bị Công an TP Bắc Giang bắt giữ . Ảnh: CTV. |
Vợ chồng anh T và chị V ở xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) là một minh chứng. Đúng dịp sinh nhật chị V tháng 5 vừa qua, chị nhận được tin nhắn của một người không quen biết báo chị nhận được quà sinh nhật nhưng bị kẹt ở sân bay. Giá trị quà rất lớn, đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà, nếu không món quà kia sẽ bị trả lại. Tin lời chị V đã chuyển 20 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo và suốt ngày đứng ngồi không yên mong ngóng món quà.
Biết vợ bị lừa, anh T hết lời khuyên bảo, phân tích, lấy ví dụ những người khác bị lừa với thủ đoạn tương tự nhưng chị V nhất quyết không nghe. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi anh T đưa vợ đến Công an xã để cán bộ thuyết phục, tuy nhiên chị V tuyên bố: “Thà ly hôn chứ không thể bỏ món quà lớn như vậy”. Chỉ đến khi lực lượng công an chứng minh món quà kia chỉ là “quả lừa” thì chị V mới chịu nghe và tiếc ngẩn ngơ số tiền đã chuyển cho bọn tội phạm.
Đầu năm nay, bà N.T.M ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) nhận được một cuộc điện thoại của số máy lạ tự xưng là cán bộ công an đang điều tra vụ án hình sự mà nghi ngờ bà M tham gia. Sau khi bị đối tượng này dọa nạt, bà M tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại khác tự giới thiệu là cán bộ tòa án yêu cầu bà chứng minh không liên quan đến vụ án mà các đối tượng bịa ra.
Liên tục bị đe dọa bằng thủ đoạn này, bà M hoảng sợ làm theo yêu cầu của nhóm tội phạm, bà gửi cho chúng số tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền để chứng minh vô tội, tổng cộng bà M chuyển cho nhóm tội phạm gần 2,4 tỷ đồng. Khi biết bị lừa, bà đã làm đơn trình báo công an cầu cứu mong lấy được số tiền. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục tiếp nhận, thụ lý giải quyết những vụ án lừa đảo qua không gian mạng.
Chị N.T.H ở xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) bị đối tượng không quen biết sử dụng mạng xã hội lừa chiếm đoạt 474 triệu đồng bằng hình thức mua bán hàng trên sàn giao dịch điện tử Shopee. Anh N.V.S ở xã Tân Thanh (Lạng Giang) bị một đối tượng dụ dỗ kiếm tiền trên Internet nhưng tiền kiếm chưa thấy, anh S đã chuyển cho chúng gần 1,9 tỷ đồng. Anh N.V.S ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) tham gia kinh doanh, đầu tư tiền ảo trên mạng bị một đối tượng không quen biết lừa hơn 25 tỷ đồng…
Đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin
Theo cơ quan công an, hiện nổi lên một số hình thức lừa đảo tài chính và đánh cắp thông tin cá nhân (là bước đệm để thực hiện lừa đảo tài chính), phổ biến như: Sử dụng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng để gọi điện cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; giả mạo trang thương mại điện tử để lừa nạn nhân chuyển tiền làm cộng tác viên; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online; thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản; lập sàn kinh doanh tiền ảo, đầu tư đa cấp…
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh khởi tố 6 vụ, 56 bị can lợi dụng không gian mạng và mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mạo danh tài khoản lừa đảo, đánh bạc trên mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online, đầu tư tài chính, giả danh cơ quan nhà nước... |
Sở dĩ loại tội phạm này lừa được nhiều người là do chúng đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu tiếp cận thông tin, không có việc làm hoặc thu nhập thấp, dẫn dụ, tác động vào lòng tham của nạn nhân. Từng tiếp nhận và giải quyết nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, Thượng tá Hà Đức Thân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cảnh báo, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác và kiến thức pháp luật, thường xuyên theo dõi, nắm bắt các phương thức, thủ đoạn của tội phạm do cơ quan chức năng thông báo.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, mã OTP tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu.
Thường xuyên kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho thuê, mượn các giấy tờ cá nhân, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch để giao dịch.
Luật sư Lê Văn Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Tín, đường Hùng Vương (TP Bắc Giang) cho rằng, khi người dân bị lừa đảo qua mạng cần thu thập các bằng chứng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như tin nhắn điện thoại, biên lai chuyển tiền… nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để tố giác tội phạm, cung cấp thông tin, phối hợp điều tra. Ngoài làm việc trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị hại có thể thông tin, trình báo đến cơ quan công an qua đường dây nóng để được hỗ trợ giải quyết.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)