Lục Ngạn cứng hóa đường giao thông nông thôn: Làm đâu chắc đó
Góp tiền, hiến đất làm đường
Cùng cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn đến thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi con đường đất đỏ, nhỏ hẹp được thay thế bởi mặt đường bê tông phẳng lỳ, bao quanh những đồi cam, vải. Đón khách ngay đầu ngõ, ông Ngô Quang Ngơn, cụm trưởng cụm 11, thôn Giành Cũ chia sẻ, cụm có 10 hộ, trước đây tuyến đường chỉ rộng hơn 2 m, trơn trượt, đi lại khó khăn. Mỗi khi vào mùa thu hoạch cây ăn quả, người dân chuyên chở rất vất vả. Khi UBND xã thông báo triển khai chương trình hỗ trợ xi- măng làm đường theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, ông đã tổ chức 5 cuộc họp cùng các hộ trong cụm bàn cách mở rộng đoạn đường chạy qua. Hộ nào chưa thông, các đoàn thể trong thôn nhiều lần đến nhà kiên trì vận động. Đầu năm nay, các hộ đã góp tiền, hiến đất đổ bê tông gần 1 km đường, chiều rộng trung bình đạt gần 4 m.
Đường giao thông thôn Khanh Mùng, xã Kiên Thành được cứng hóa. Ảnh: Vũ Đoàn
|
Cũng với cách làm trên, từ năm ngoái đến nay, xã Quý Sơn đã cứng hóa hơn 20 km đường trục thôn, liên thôn và nội đồng gắn với giao thông liên thôn. Ông Trần Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nay, toàn xã có 27 thôn cùng đăng ký tham gia làm đường, tổng khối lượng 40,5 km, trở thành địa phương thực hiện lớn nhất huyện. Để bảo đảm tiến độ, ngay từ đầu năm, UBND xã đã phát động phong trào hiến đất làm đường với phương châm đường mở đến đâu, đất, công trình nhường chỗ đến đó. Người dân tích cực góp công, tiền của cứng hóa. "Dự kiến, từ nay đến năm 2019, toàn xã sẽ bê tông hóa gần 70 km đường theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, phấn đấu đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM)", ông Sáng nói.
Từ cuối năm 2017 đến nay, cả 18 thôn của xã Trù Hựu cũng đồng loạt ra quân làm đường. Toàn xã đã cứng hóa hơn 12 km. Thời điểm này, các hộ dân ở đây đang tích cực san gạt mặt bằng, làm nền đường phục vụ thi công gần 10 km trong những tháng cuối năm. Được biết, bên cạnh những xã vùng thấp có thế mạnh về kinh tế vườn đồi thì người dân các xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Hộ Đáp, Phú Nhuận, Phong Vân, Cấm Sơn cũng phấn đấu trong năm nay cứng hóa từ 7 đến 15 km đường.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Lục Ngạn là huyện miền núi, diện tích rộng, tổng chiều dài các tuyến đường GTNT lớn, đời sống người dân nhiều thôn, xã còn khó khăn. Đây là những trở ngại chính của chương trình làm đường bê tông. Vì thế, huyện đã thành lập ban chỉ đạo làm đường GTNT từ huyện đến cấp xã; đồng thời, hỗ trợ vật chất để nhân dân làm đường. Ngoài hỗ trợ 100% xi-măng và 100 triệu đồng/km cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn từ ngân sách tỉnh, UBND huyện còn bố trí kinh phí hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển xi - măng từ các nhà máy đến chân công trình; hỗ trợ thêm 150 triệu đồng/km ở thôn, xóm đặc biệt khó khăn và 100 triệu đồng/km ở các thôn, xóm khác.
Người dân xã Tân Lập làm đường GTNT. |
Kinh nghiệm triển khai chương trình cứng hóa đường GTNT tại Lục Ngạn cho thấy, để bảo đảm chất lượng công trình, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thường xuyên giám sát; chỉ những công trình đã hoàn thành san gạt mặt đường, bảo đảm bề rộng, chất lượng nền mới được cấp xi-măng thực hiện. Xi-măng cung ứng đến đâu UBND các xã cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật giúp các nhóm hộ thi công cuốn chiếu đến đó, không để xảy ra ùn ứ.
Năm 2018, người dân huyện Lục Ngạn đăng ký cứng hóa hơn 276 km đường GTNT theo chương trình hỗ trợ xi - măng của HĐND tỉnh. Ngoài ra, UBND huyện còn hỗ trợ các xã phấn đấu về đích NTM làm đường, triển khai lồng ghép với các chương trình khác, tổng chiều dài mặt đường được cứng hóa trong năm khoảng 30 km. Hiện nay, các địa phương đang đẩy hanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. |
Đặc biệt, trong suốt quá trình thực hiện, các đơn vị đều phát huy tối đa tinh thần công khai, dân chủ với phương châm người dân tự bàn bạc, thi công và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình. Khi phát sinh vướng mắc sẽ được ban lãnh đạo thôn, xã nắm bắt, giải quyết kịp thời, không để xảy ra khiếu kiện liên quan…
Với những kết quả bước đầu, UBND huyện Lục Ngạn đặt ra mục tiêu trong năm 2019 sẽ tiếp tục cứng hóa 135 km đường GTNT. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện khẳng định: “Để đạt mục tiêu này, Huyện ủy, UBND huyện luôn quán triệt cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn tập trung cao lãnh đạo thực hiện; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ cứng hóa đường GTNT đã đăng ký”.
Văn Thương
Năm 2018, người dân huyện Lục Ngạn đăng ký cứng hóa hơn 276 km đường GTNT theo chương trình hỗ trợ xi - măng của HĐND tỉnh. Ngoài ra, UBND huyện còn hỗ trợ các xã phấn đấu về đích NTM làm đường, triển khai lồng ghép với các chương trình khác, tổng chiều dài mặt đường được cứng hóa trong năm khoảng 30 km. Hiện nay, các địa phương đang đẩy hanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. |
Ý kiến bạn đọc (0)