Lục Ngạn cứng hóa đường giao thông nông thôn: Hiệu quả cao từ đa dạng cách làm
Xóa thế cô lập, kết nối giao thương
Mỗi lần lên Lục Ngạn, tôi đều không khỏi ngỡ ngàng vì ngày càng có thêm nhiều tuyến đường tới các xã vùng xa, vùng sâu của huyện được đổ bê tông phẳng phiu. Theo thống kê năm 2019, bình quân mỗi ngày huyện cứng hóa hơn 2,4km đường. Tỷ lệ cứng hóa đường GTNT trên địa bàn tăng từ 30% năm 2016 lên hơn 80% vào cuối năm 2019.
Đại diện lãnh đạo thôn Cà Phê và Ao Mít kiểm tra đoạn đường do hai thôn cùng góp tiền xây dựng. |
Xe bon nhanh theo tuyến đường Nam Dương - Tân Lập - Đèo Gia mới được đổ bê tông thoáng rộng, chẳng mấy chốc tôi đã đến thôn Cà Phê thuộc xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) Tân Lập. Nếu không đến, hẳn tôi sẽ khó hình dung sự đổi thay ở nơi này. Các tuyến đường thôn, xã hầu như đã được cứng hóa vươn ra cánh đồng, “leo” lên cả những khu đồi cao trồng cam, bưởi, vải thiều… Thôn Cà Phê có 120 hộ, hơn 580 nhân khẩu với 7 dân tộc chung sống. Đến nay, thôn đã cứng hóa gần 8/12km đường trục thôn và ngõ xóm. Sau khi thăm một vòng quanh thôn, bà Hoàng Thị Cự, Bí thư Chi bộ cùng Ban lãnh đạo thôn dẫn tôi qua cầu phao vượt sông Lục Nam sang thôn Ao Mít, xã Đồng Cốc. Đây là tuyến đường duy nhất nối thôn Cà Phê với chợ Phì Điền - nơi có điểm thu mua nông sản tập trung. “Tuyến đường chỉ dài chừng 6km nhưng hai năm trước, muốn chở sọt vải đi bán, người dân thôn Cà Phê và Ao Mít phải mất hai giờ mới tới nơi. Gặp trời mưa, có khi xe bị trượt đổ, đến chợ chẳng bán được vì vải bị dập nát”, bà Cự nói. Nay, các tuyến đường qua thôn Ao Mít và xã Đồng Cốc đã được cứng hóa, trong đó có đoạn nối thôn Cà Phê với Ao Mít dài gần 1,3km. Trước đây do thiếu kinh phí nên người dân Ao Mít không thể nâng cấp đoạn đường này. Từ thực tế đó, Chi ủy, Chi bộ thôn Cà Phê và Chi ủy, Chi bộ liên thôn Ao Mít - Quê Mới họp bàn thống nhất cùng vận động bà con hiến đất, góp tiền đổ bê tông. Được người dân đồng tình, thôn Cà Phê đã góp 210 triệu đồng cho thôn Ao Mít giải phóng mặt bằng và cải tạo con đường. Bà Dương Thị Cú (69 tuổi, dân tộc Hoa) ở thôn Cà Phê xúc động: “Mong ước của chúng tôi là xây được đường mới. Mình già rồi không đi được nhiều nữa, vì tương lai con cháu nên đóng góp tiền làm đường thôi”.
Với địa thế đặc thù nên không chỉ người dân thôn Cà Phê mà các thôn: Khả Lã, Khả Lã 4, Trại Thập của xã Tân Lập cũng góp tổng cộng gần 400 triệu đồng giúp các thôn: Nghĩa, xã Nghĩa Hồ; thôn Kép 3, xã Hồng Giang và thôn Bến, xã Tân Quang để làm đường.
Cùng với Tân Lập và Đồng Cốc, các địa phương còn lại của huyện Lục Ngạn đều duy trì tốt phong trào xây dựng đường GTNT. Nhiều hộ có kinh tế khá giúp các hộ nghèo, khó khăn đóng góp kinh phí làm đường… Việc làm này đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đồng bào các dân tộc, cộng đồng dân cư. Đến nay 100% đường trục xã, hơn 92% đường ngõ, xóm đã được cứng hóa.
Hiệu quả cao nhờ chỉ đạo đúng
Khi bắt tay vào cứng hóa GTNT, Lục Ngạn cũng gặp không ít trở ngại nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi Huyện ủy, UBND huyện đưa ra các giải pháp thấu tình đạt lý thì bà con đã đồng thuận cao; nhiều người sẵn sàng hiến đất làm đường.
Giai đoạn 2016-2019, Lục Ngạn cứng hóa được gần 1,5 nghìn km đường GTNT; xây dựng 12 cầu dân sinh. Người dân đóng góp hơn 1 nghìn tỷ đồng làm đường, chưa kể hiến đất, ngày công. Riêng năm 2019, huyện hoàn thành hơn 879km đường GTNT và 82km theo các chương trình, dự án khác, cao nhất tỉnh. So với giai đoạn 2010-2015, tổng chiều dài đường GTNT được cứng hóa nhiều hơn 10 lần. |
Đồng chí La Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn cho biết, BTV Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn huyện; đồng thời ra chỉ thị về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cứng hóa đường GTNT theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh và huyện; yêu cầu cơ quan chức năng hoàn thành quy hoạch phát triển hạ tầng GTNT của huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm căn cứ pháp lý cho đầu tư phát triển, quản lý nhà nước đối với mạng lưới GTNT và phục vụ thu hút đầu tư tại địa bàn.
Để hiện thực hóa, huyện xây dựng cơ chế bổ sung kinh phí (ngoài hỗ trợ của tỉnh) giúp các xã, thôn làm đường GTNT. Cụ thể, huyện hỗ trợ thêm 150 triệu đồng/km cho các xã vùng cao, vùng ĐBKK và hỗ trợ 100 triệu đồng/km cho các xã vùng thấp. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm xã, Huyện ủy viên phụ trách xã hằng tháng cùng tập thể Đảng ủy cơ sở tổ chức triển khai nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc. Huyện ủy huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tham gia vận động nhân dân làm đường; kịp thời động viên, khen thưởng bằng nhiều hình thức để vinh danh các đơn vị, tập thể, cá nhân điển hình, tạo sức lan tỏa làm đường trong toàn huyện. Hiện huyện đang khẩn trương hoàn thành và trong năm nay sẽ khởi công các tuyến đường huyện, tỉnh, quốc lộ, đường vành đai qua địa bàn với tổng chiều dài hơn 100km. Điều này không chỉ giúp các xã vùng xa, vùng sâu trong huyện xóa thế cô lập mà còn giúp kết nối với các huyện Sơn Động, Lục Nam và tỉnh Lạng Sơn…
Việc hoàn thành mục tiêu nâng cấp toàn bộ hệ thống đường giao thông nói chung và GTNT nói riêng ở huyện Lục Ngạn vào cuối năm nay là minh chứng sinh động cho chủ trương, cách làm đúng và ý chí, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Thành quả đó góp phần giúp Lục Ngạn sớm phát triển trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh Bắc Giang.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)