Lục Ngạn: Cam, bưởi nhiều hoa, ít quả
Vườn bưởi ít đậu quả của hộ chị Nguyễn Thị Mận, thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn). |
Nhiều vườn quả thất thu
Tại xã Hồng Giang- địa phương có hơn 200 ha cây có múi, tỷ lệ cam, bưởi có hoa đậu quả chỉ hơn 40%. Cùng cán bộ Hội Nông dân xã, chúng tôi đến thăm vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Mận, thôn Hiệp Tân. Gia đình chị có 400 cây bưởi Diễn, cây nào cây ấy xanh tốt song chỉ điểm lác đác vài quả bằng cái chén, thậm chí có cây không có quả nào. Chị Mận chia sẻ: “Năm ngoái, vườn cây cho hơn một vạn quả bưởi, giá bán bình quân 20 nghìn đồng/quả, gia đình tôi thu được hơn 200 triệu đồng. Với hiện trạng vườn như hiện nay nếu thời tiết thuận lợi may ra chỉ được hơn một nghìn quả, bằng 1/10 so với năm ngoái”. Theo chị Mận, thời điểm sang xuân năm nay, tiết trời ấm cộng với mưa ẩm ướt, bưởi ra hoa thành từng chùm, bung nở trắng vườn. Vậy mà sau đó hoa trút hàng loạt. Mặc dù đã chủ động phun thuốc đậu hoa, quả nhưng vẫn không giữ được hoa ở cành.
Tương tự, từng là hộ có vườn bưởi đẹp, chất lượng và luôn bán được giá cao vào những vụ trước nhưng năm nay, hộ anh Nguyễn Hữu Thêm, thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn cũng mất mùa bưởi. Với mong muốn có nguồn thu cao từ cây trồng này, sau khi thu hoạch, anh dày công chăm sóc để cây hồi phục dinh dưỡng, đơm hoa, kết trái. Ai ngờ, sau khi bưởi ra quả non rồi bị rụng hết. Anh Thêm buồn bã: “Chưa năm nào tôi thấy bưởi như năm nay. Thời tiết thật khắc nghiệt. Bao công sức bỏ ra coi như công cốc”.
Tại xã Tân Quang- địa phương đi đầu trồng cây có múi của huyện với gần 500 ha, năm nay tỷ lệ đậu quả cũng đạt thấp. Ông Dương Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã thông tin: “Tỷ lệ bưởi đậu quả đạt hơn 20% tổng diện tích. Như vậy, sản lượng bưởi toàn xã vụ này chỉ đạt khoảng 2 vạn quả, giảm 8 vạn quả so với năm trước. Trong xã, nhiều vườn cam mất trắng nhưng xã chưa có đánh giá cụ thể”.
Chú trọng chăm sóc, xúc tiến thương mại
Sau một năm không quả cộng với thừa dinh dưỡng, cây có múi sẽ sinh trưởng mạnh vào năm sau, nguy cơ chỉ phát lộc mà không phát triển. Vì thế, việc bón phân cho cây phải cân đối, tăng lượng kali, lân, không để cây quá tốt, thừa đạm vừa tốn kém lại ảnh hưởng chất lượng quả vụ tới”. Bà Đỗ Thị Luyến, Phó chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT). |
Được biết, huyện Lục Ngạn có hơn 4 nghìn ha cây có múi, trong đó hơn 1,2 nghìn ha bưởi, số còn lại là cam Canh, cam V2. Theo đại diện lãnh đạo huyện, hiện nay chưa có số liệu chính xác về tỷ lệ cây có múi cho quả song nhìn chung năng suất cam Canh giảm mạnh so với năm ngoái; bưởi Diễn mất mùa.
Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, sở dĩ có tình trạng này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tạo ra thời tiết vụ đông ấm, cây phát lộc mạnh. Mặc dù cành lộc có ra hoa nhưng hoa yếu bởi không có thời gian “ngủ” đông để tích lũy dinh dưỡng. Cùng đó, một số thời điểm nắng nóng gay gắt, sau đó chuyển lạnh đột ngột, lại mưa khiến cây bị sốc nhiệt. Mặt khác, loạt ra hoa đầu đúng vào dịp mưa a xít gây hoa rụng hàng loạt. Tiếp đến giai đoạn đậu quả, rụng quả sinh lý mưa ít, hạn xảy ra hình thành tầng rời khiến quả tiếp tục rụng. Ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang cho biết: “Năm nay, vải mất mùa nên ít đàn ong về khai thác mật hoa làm giảm khả năng thụ phấn của cây trồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng cam, bưởi ít quả”.
Trước thực trạng trên, huyện Lục Ngạn khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc tốt cây có quả. Dự báo, thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi. Với nhiệt độ cao như hiện nay, nhện, rầy chổng cánh phát sinh gây hại mạnh. Đặc biệt, rầy chổng cánh là côn trùng môi giới truyền bệnh Greening do vi rút gây ra và chưa có biện pháp điều trị, chỉ còn cách phá bỏ khi cây mắc bệnh. Thế nên, ngay lúc này, người trồng cần chăm sóc, bón phân hợp lý để nuôi quả còn lại và chống rụng quả; cắt tỉa cành, tạo tán vừa tạo sự thông thoáng cho cây vừa hạn chế sâu bệnh; loại bỏ những cây còi cọc, mắc bệnh, bám sát vườn để kiểm soát dịch hại kịp thời.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Sản xuất cây ăn quả, bà con trong huyện vụ này gặp nhiều bất lợi. Do đó, đồng hành cùng bà con, huyện chỉ đạo cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân áp dụng tốt biện pháp kỹ thuật để cây đậu quả cho sản phẩm chất lượng. Hiện nay, huyện đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại sản phẩm cây có múi, trong đó chú trọng thị trường phía Nam”. Một số ý kiến cho rằng, cơ quan chuyên môn cần phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi, từ đó đưa ra biện pháp kỹ thuật hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)