Lộc Quận công Hoàng Công Phụ và từ đường họ Hoàng Công ở Yên Ninh
Từ đường họ Hoàng Công. |
Hoàng Công Phụ sinh năm Đinh Mão (1567). Ông lấy ba người vợ và sinh nhiều con, trong đó có ba người con trai: Trưởng nam là Nho sinh Hoàng Công Bật, được tập ấm chức Hoằng Tín đại phu. Thứ nam là Nho sinh Hoàng Công Thạc. Con trai út là Nho sinh Hoàng Công Trục cũng được tập ấm chức Hiển cung đại phu, sau làm quan chức Tri huyện.
Cuộc đời và sự nghiệp Tiến sĩ Hoàng Công Phụ được ghi lại tương đối kỹ trong bài văn bia Thực lục Hoàng công bi soạn khắc năm Chính Hòa thứ 13 (1692) tại từ đường họ Hoàng Công và các tài liệu đăng khoa lục. Thuở nhỏ, Hoàng Công Phụ đọc rộng Thi-Thư, lớn lên chuyên tâm văn học... Năm Ất Dậu (1585), đủ 19 tuổi đỗ kỳ thi Hương.
Từ năm ba mươi đến ba mươi bảy tuổi liên tiếp đề danh tháp nhạn. Năm 42 tuổi, dự kỳ thi Hội đỗ hạng ưu trúng cách. Năm 53 tuổi, đỗ Tiến sĩ xuất thân. Từ đó ông ra làm quan, ban đầu nhận chức Giám sát ngự sử, sau được thăng đổi chức Lễ khoa cấp sự trung. Năm Ất Sửu (1625) vâng mệnh theo hầu Thánh vương. Năm Kỷ Mùi thứ 20 (1619) khoa thi Đình, Hoàng tướng công mới đăng khoa đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân cùng với 6 người khác trong cả nước.
Năm Quý Hợi (1623) vì có công làm việc nghĩa, dẹp giặc cỏ nên Hoàng Công Phụ đã được triều đình vinh phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Tử, lại được cấp cho 50 người trong bản xã để sai bảo và được phong thưởng rất hậu.
Sau ba năm đi sứ, hoàn thành mệnh nhiệm triều đình giao phó, Hoàng Công Phụ được triều đình cho nhậm chức Thừa Chánh sứ Sơn Nam và được cấp cho 22 người trong bản xã cùng với dân xã Ngọc Lý để sai phái về làm ruộng. Lại cho để nguyên ruộng đi sứ ở các huyện xã, cộng tất cả là 45 mẫu. Năm Canh Dần thứ 6 (1642) Hoàng Công Phụ được kiêm thêm chức Quốc tử giám Tư nghiệp. Họ hàng nội ngoại lần lượt được gia phong chức tước, huân danh vẻ vang mấy đời. Khi đó nhà vua ban cho ông được đặc ân ra vào tự do trong cung, cùng nhiều bổng lộc rất hậu.
Năm Giáp Thân (1644), Hoàng Công Phụ tạ thế, hưởng thọ 78 tuổi. Năm Ất Dậu (1646), triều đình cấp cho bản xã Yên Ninh toàn bộ sứ điền, tá điền để hằng năm làm hương lệ cúng tế ông. Năm Kỷ Sửu (1649), Thái Thượng hoàng lại lên ngôi, gia tặng cho Hoàng Công Phụ chức Công bộ Thượng thư, tước Lộc Quận công, hàm Thiếu bảo.
Nhận thấy Hoàng Công Phụ là người khoan hậu, giản dị khiến cho người người ngưỡng mộ, cho nên vào năm 1689, quan viên hương lão, văn thuộc và toàn dân xã Yên Ninh xin lập từ đường để người người được kính cẩn thờ phụng ông. Con cháu trong gia tộc quyên góp tiền của để chi vào việc cúng tế. Dân xã họp bàn mời vị đại Nho hay chữ soạn văn bia ghi chép khái lược về cuộc đời, sự nghiệp của Hoàng Công Phụ, sau lại mời thợ khéo khắc bia đá để truyền lại cho đời sau.
Ông Hoàng Công Khanh (73 tuổi), trong dòng họ cho biết: “Năm 1952, ngôi Từ đường bị giặc Pháp phá hỏng, mãi tới năm 1998, từ đường họ Hoàng Công mới được trùng tu tôn tạo khang trang tố hảo trên nền đất xưa. Bia thực lục về Hoàng Công Phụ được tôn vinh đặt cẩn thận trong nhà bia 8 mái kiên cố như hiện nay”.
Ngôi từ đường tuy kiến trúc đơn giản nhưng lại có giá trị ý nghĩa lịch sử văn hóa lớn gồm ba gian xây bít đốc, khung vì mái kiểu vì kèo quá giang. Bên trong đặt nhang án, ngai thờ bài vị Tổ họ và Tiến sĩ Hoàng Công Phụ. Hằng năm, vào ngày giỗ Hoàng Công Phụ 23 tháng 8, dòng họ tập trung đông đủ cùng làm lễ thắp nén hương thơm ôn lại lịch sử công trạng của ông. Đây cũng là ngày vinh danh, trao phần thưởng cho con em trong họ đạt thành quả cao trong học tập, thi cử. Cùng với đền thờ mười tiến sĩ ở Yên Ninh, từ đường họ Hoàng Công có ý nghĩa giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn và truyền thống hiếu học của quê hương.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)