Liên kết nuôi gà, thuận đầu ra
Mô hình nuôi gà an toàn sinh học của gia đình ông Dương Phương Sáu, thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm. |
Nhằm kết nối, tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ, cuối năm 2014, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai mô hình liên kết chăn nuôi gà VietGAP tại 3 hộ thuộc xã Đồng Tâm. Theo đó, các hộ được hỗ trợ một phần giá giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh, hướng dẫn kỹ thuật. Sản phẩm được Công ty cổ phần Giang Sơn tại địa bàn thu mua.
Ông Dương Phương Sáu, thôn Tân Sỏi cho biết: “Tôi nuôi hơn 500 con gà để liên kết với doanh nghiệp. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, gà có tỷ lệ sống đạt cao, không mắc bệnh. Khi xuất chuồng mỗi con nặng từ 2-2,2 kg, giá bán cao hơn so với cách nuôi thường khoảng 7 nghìn đồng/kg”. Thành công ở lứa đầu áp dụng, ông Sáu đã mạnh dạn mở rộng quy mô lên 2 nghìn con/lứa, bố trí nuôi nhiều lứa gối nhau để đều đặn có sản phẩm cung cấp cho đơn vị thu mua. Mỗi năm, gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng.
Cũng áp dụng theo phương pháp này, dịp Tết vừa qua, hơn 100 hộ trong huyện đã liên kết với HTX sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, Công ty cổ phần Giang Sơn, Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) nuôi gà an toàn sinh học. Giá bán bình quân 62-65 nghìn đồng/kg, tùy từng thời điểm, trừ chi phí người dân thu lãi hơn 20 triệu đồng/một nghìn con.
Theo những hộ dân tham gia mô hình, chăn nuôi theo VietGAP thì các giống gà đưa vào nuôi thả đều có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Khẩu phần ăn được tăng thêm ngô, cám cùi, chế phẩm sinh học, giúp thịt gà săn chắc, tiêu hóa tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo ông Lương Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nhiều năm qua, giá gà bấp bênh, không ít hộ lỗ vốn khi gà đến lứa mà không bán được. Do đó, mô hình liên kết là một trong những giải pháp mà huyện chú trọng, hướng tới chăn nuôi gà bền vững. Tới đây huyện tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân liên kết với bà con, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Ý kiến bạn đọc (0)