Lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực trong thực hiện các dự án giao thông
Năm 2023, được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành GTVT đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo. Hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa đều tăng so với năm 2022.
Đặc biệt, năm 2023, Bộ GTVT khởi công 26 dự án giao thông quan trọng đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hoá … Những dự án này được đầu tư sẽ mở ra cơ hội mới cho phát triển KT-XH cả nước.
Năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục phấn đấu bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp (DN). Phấn đấu giải ngân hơn 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; khởi công, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch năm 2024.
Trong đó, hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2 nghìn km; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận kết quả của ngành GTVT đã đạt được trong năm qua. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế như: Công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; mặc dù nhiều công trình, dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được kỳ vọng...
Qua phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng yêu cầu, trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình thế giới, trong nước, ngành GTVT cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, hành động quyết liệt để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Cần quán triệt nghiêm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực của ngành; lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực, sự dẫn dắt trong việc khảo sát, thiết kế, kiểm tra, giám sát, khảo sát thi công công trình trọng điểm, góp phần nâng cao chất lượng, giảm giá thành, đẩy nhanh tiến độ, chống tiêu cực tham nhũng khi thực hiện các công trình, dự án giao thông.
Nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc, vướng mắc ở đâu thì gỡ ở đó trên tinh thần nhanh chóng, bám sát thực tiễn.
Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từng vùng miền, lĩnh vực; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm tất cả thủ tục hành chính gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, DN.
Coi trọng công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội; bảo đảm hài hoà lợi ích người dân, DN, Nhà nước theo Hiến pháp, pháp luật. Các địa phương, các nhà thầu, tư vấn thực hiện đúng quy trình, quy phạm pháp luật, không lợi dụng chính sách để trục lợi.
Với quyết tâm mới, khí thế mới, với truyền thống phát triển của mình, đồng chí tin tưởng ngành GTVT sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)