Lăng mộ công chúa Lý Nguyệt Sinh ở Vọng Giang
Lăng mộ công chúa Lý Nguyệt Sinh. |
Từ bao đời nay, người dân Vọng Giang vẫn tôn thờ công chúa Lý Nguyệt Sinh như một vị thần bảo trợ, mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Truyền tích về công chúa Lý Nguyệt Sinh được kể lại rằng: Vào thời vua Lý Huệ Tông, các vùng đất xa được chia làm nhiều lộ và cắt cử các công chúa đến đó quản lý. Vùng đất Vọng Giang xưa được gọi là Mai Thượng, thuộc một trong 24 lộ thời đó và dưới quyền cai quản của công chúa Lý Nguyệt Sinh.
Khi nhà Lý mất ngôi về tay nhà Trần, công chúa Lý Nguyệt Sinh cùng chồng dấy binh chống lại. Đến niên hiệu Kiến Trung thứ 2 nhà Trần (tức đời vua Trần Thái Tông), công chúa cất quân báo thù tại trận địa thuộc trấn Thái Nguyên, chiến đấu tại khu vườn Cau xứ, trồng rất nhiều chuối. Khi thất trận, công chúa trốn vào vườn chuối nên quan quân bèn phạt cả vườn chuối để tìm. Công chúa phải tuẫn tiết, hóa thành một thân cây chuối lớn. Lúc đó bỗng trời mưa to, gió lớn làm ngập cả khu vườn, thân cây chuối trôi theo dòng sông Cầu từ Thái Nguyên về Mai Thượng. Dân làng Vọng Nguyệt (thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) bên bờ nam sông Cầu thấy một thân cây chuối lớn cứ quẩn quanh ở khu vực này. Linh ứng báo mộng cho hương lão làng ra vớt lên, làm lễ mai táng tại khu Vườn Nương thuộc địa phận xã Mai Thượng bên bờ bắc sông Cầu (nay là xã Mai Đình). Cũng từ sự kiện này, dân hai làng Vọng Nguyệt (Bắc Ninh) và Vọng Giang (Bắc Giang) lập đền, xây lăng mộ thờ Nguyệt Sinh công chúa, tôn làm phúc thần Đại vương.
Tại làng Vọng Giang hiện còn ngôi đình Vọng Giang và khu lăng mộ thờ công chúa Lý Nguyệt Sinh. Bên cạnh đó có ngôi chùa Bà Lai tương truyền là do công chúa Lý Nguyệt Sinh xây dựng khi bà cai quản vùng đất này. Theo ông Chu Văn Xuyên, Trưởng thôn Vọng Giang, lăng mộ công chúa Lý Nguyệt Sinh có từ lâu đời, xưa kia còn nhỏ hẹp, xây cuốn mái vòm bằng đá ong. Những năm qua, khu lăng mộ được nhân dân hai làng Vọng Giang, Vọng Nguyệt quan tâm tu sửa khang trang. Công trình bao gồm các hạng mục được bài trí theo một trục dọc chạy từ ngoài vào trong gồm: Cổng vào, khuôn viên sân vườn, bức bình phong và khu lăng mộ, xung quanh xây tường bao khép kín. Cổng lăng xây hai cột trụ biểu theo lối truyền thống, tiếp đến là bức bình phong, bia đá ghi tên người được thờ và quá trình tôn tạo lăng mộ. Kiến trúc khu lăng mộ kiểu phương đình hình vuông, mái chồng diêm với hai tầng tám mái đao cong; trong xây mộ hình tháp.
Hằng năm, vào ngày 8 tháng 6 âm lịch là ngày sự lệ chính, nhân dân làng Vọng Giang tổ chức cúng tế tại khu lăng mộ. Trong ngày đó nhân dân hai làng Vọng Giang, Vọng Nguyệt tụ họp, cùng nhắc lại lịch sử, sự tích, công lao của công chúa Lý Nguyệt Sinh nhằm gìn giữ phong tục truyền thống của vùng đất cổ bên dòng sông Cầu.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)