Lăng Đỗ Công Phụ và những hiện vật đá thời Lê
Lăng Đỗ Công Phụ. |
Lăng Đỗ Công Phụ hay còn gọi là lăng Dinh Cụ thờ vị võ quan cao cấp của nhà Lê là Đỗ Công Phụ. Theo nội dung bia đá “tôn lập Hậu Thần” ở lăng khắc dựng năm Vĩnh Khánh nguyên niên (1729), Đỗ Công Phụ là người làng Lỗ Hạnh, xã Lỗ Hạnh, tổng Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, ông là quan võ cao cấp của nhà Lê từng giữ chức tước: “Thị nội giám, Ty lễ giám, Tổng thái giám, sau được gia tặng Đề đốc Phủ quân hữu đô đốc”. Sinh thời làm quan, ông không chỉ đóng góp trí lực xây dựng cho vương triều nhà Lê mà còn hết lòng vì quê hương bản quán. Cũng theo nội dung bia đá “tôn lập Hậu Thần”, Đỗ Công Phụ cùng phu nhân Nguyễn Thị Châu, thôn Hoạt Đông, xã Đông Lỗ, cấp cho dân xã 500 quan tiền cổ, 9 thửa ruộng, dùng vào việc công. Do đó quan viên hương lão, xã thôn trưởng cùng toàn dân thuận tình bầu ông bà làm Hậu thần. Ngày giỗ, toàn dân các thôn trong xã sửa cỗ và soạn văn tế. Mỗi thôn cử hai người đứng nghênh lễ tại Từ đường. Nội dung văn bia còn cho biết danh sách cụ thể những người ở địa phương đã có lòng công đức tiền của công sức vào việc xây dựng đình, chùa, lăng tẩm của quê hương. Do có nhiều công lao với dân với nước, sau khi Đỗ Công Phụ mất, nhân dân địa phương cùng dòng họ đã xây dựng lăng đá thờ phụng để ghi nhớ công lao của ông.
Lăng tướng công Đỗ Công Phụ toạ lạc trên khu đất rộng ở cạnh thôn Chằm, làng Lỗ Hạnh nhìn ra cánh đồng. Phía trước còn có đầm nước điểm tụ thuỷ tạo sinh khí cho công trình tín ngưỡng này. Những tài liệu hiện vật đá ở lăng không chỉ gợi mở về thân phận của chủ nhân lăng mà còn mang thông điệp lịch sử và giá trị nghệ thuật điển hình của thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII. |
Lăng tướng công Đỗ Công Phụ hiện nay toạ lạc trên khu đất rộng ở cạnh thôn Chằm, làng Lỗ Hạnh nhìn ra cánh đồng. Phía trước còn có đầm nước điểm tụ thuỷ tạo sinh khí cho công trình tín ngưỡng này. Toàn bộ khu lăng có tổng diện tích hơn 300 m2 được xây tường bao xung quanh. Ông Đỗ Văn Lại, hậu duệ dòng họ Đỗ ở thôn Chằm, người trông coi lăng thông tin: “Lăng đá được xây dựng từ lâu đời, xưa kia có cổng vào và tường bao xung quanh bằng đá ong nâu trầm cổ kính. Nhìn từ xa lăng giống như một bảo tàng đá bên cánh đồng. Những năm 1960-1962, tường đá ong, cổng lăng và nhà lăng bị đỗ vỡ hư hỏng. Năm 1998, dòng họ mới tu sửa lại khu lăng như: Xây tường bao và tu sửa nhà lăng thêm khang trang tố hảo như hiện nay”. Trải qua thời gian, khu tường bao đá ong, cổng nay không còn nhưng bên trong lăng vẫn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ, các hiện vật bằng đá như linh vật, tượng người, tượng thú cho đến nhà lăng, phần mộ đều được bảo quản tốt. Những tài liệu hiện vật đá ở lăng không chỉ gợi mở về thân phận của chủ nhân lăng mà còn mang thông điệp lịch sử và giá trị nghệ thuật điển hình của thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII.
Lăng Đỗ Công Phụ không chỉ là công trình kiến trúc lăng đá cổ, nơi lưu giữ những hiện vật đá tiêu biểu mà còn là nơi thờ phụng tưởng niệm vị võ quan cao cấp thời Lê Trung Hưng. Hằng năm tại lăng đá, gia tộc họ Đỗ Công cùng nhân dân địa phương vẫn hương khói phụng thờ tướng công Đỗ Công Phụ vào ngày 30 tháng 10 âm lịch. Xưa kia vào ngày hội làng 10 tháng Giêng, dòng họ và nhân dân địa phương còn có tục rước cỗ từ lăng về đình Lỗ Hạnh tế lễ Thành hoàng và làm lễ cúng Hậu.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)