Không để đàn vật nuôi của Bắc Giang lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên phát biểu tại điểm cầu Việt Yên. |
Tại hội nghị, nhiều địa phương đã kiến nghị BCĐ tỉnh hỗ trợ thêm hóa chất tiêu độc khử trùng; hướng dẫn rõ hơn về việc xác định giá lợn theo thị trường để làm căn cứ hỗ trợ nếu phải tiêu hủy; cần có sự chỉ đạo chung về việc nhập phân chuồng phục vụ gieo trồng; tăng cường tập huấn chuyên môn nhận biết dấu hiệu lợn mắc dịch bệnh.
Ông Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa đề nghị: “UBND tỉnh cần có thông báo giá lợn từng ngày để huyện làm căn cứ tính mức hỗ trợ cho các hộ có lợn buộc phải tiêu hủy”. Đại diện UBND huyện Lang Giang và Việt Yên cùng có quốc lộ 1 chạy qua nên gặp khó khăn trong việc kiểm soát các xe chuyên chở hàng hóa qua cửa khẩu từ Lạng Sơn vào nội địa đi qua hai địa bàn này nên rất dễ lây lan mầm bệnh. Ông Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đề nghị chính quyền các địa phương trong tỉnh cần có xác nhận thú y và UBND xã đầy đủ cho việc tiêu thụ lợn sang địa bàn Sơn Động, tránh trường hợp hiểu lầm là Sơn Động cấm nhập lợn từ nơi khác vào địa phương này…
“Lực lượng Quản lý thị trường Bắc Giang sẵn sàng làm nhiệm vụ cả trong những ngày nghỉ để phòng chống bệnh DTLCP”, ông Đào Nguyên Sơn, quyền Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường Bắc Giang phát biểu. |
Tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương. Đồng chí cho rằng, sau 1 tháng 20 ngày phòng dịch cho thấy tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, công tác thực hiện vẫn còn những điểm tồn tại, hạn chế như: Một số huyện, xã, thôn chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Việc triển khai ký cam kết đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi tại một số địa phương còn chậm. Các chốt kiểm soát vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn tuy được thành lập nhiều nhưng bố trí tại các vị trí chưa hợp lý, thiếu người trực thường xuyên; bảo hộ lao động, trang thiết bị thiếu đồng bộ, nhất là máy phun hóa chất; việc hướng dẫn các biện pháp chuyên môn và chế độ thông tin báo cáo chậm...
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lục Nam. |
Để kịp thời khắc phục những vướng mắc và thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống bệnh DTLCP thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, đặc biệt là hộ chăn nuôi trong phòng chống dịch, không để người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Yêu cầu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch, thực hiện chăn nuôi an toàn.
Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở giết mổ, bếp ăn tập thể tại các địa phương, đơn vị thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo điều kiện tối đa cho việc tiêu thụ lợn. Các chốt kiểm dịch cần thực hiện nghiêm, bảo đảm quân số, trực 24/24 giờ. Tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện lợn ốm, lợn có bệnh tích của DTLCP để có biện pháp xử lý kịp thời. Các huyện quan tâm bố trí kinh phí mua hóa chất khử trùng tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chỉ đạo tại hội nghị. |
Đồng chí Dương Văn Thái cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp lượng hóa chất mà các huyện, TP yêu cầu để hỗ trợ. Các huyện thực hiện tốt chế độ báo cáo để BCĐ cấp tỉnh kịp nắm tình hình diễn biến dịch và chỉ đạo.
Đồng chí cũng đề nghị BCĐ phòng, chống bệnh dịch động vật các cấp tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. “Nếu địa phương nào để xảy ra bệnh DTLCP thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm và hạ mức thi đua cuối năm”, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã phải tập trung thực hiện phòng, chống dịch, với quyết tâm cao nhất không để đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh lây nhiễm bệnh DTLCP, bảo đảm tăng trưởng cho ngành nông nghiệp.
Ý kiến bạn đọc (0)