Khai thác đến đâu, trồng rừng ngay đến đó
Tập trung trồng rừng
Gia đình chị Trần Thị Thuý, thôn Lừa, thị trấn An Châu vừa thu hoạch hơn 3 ha keo 5 năm tuổi, thu lãi 210 triệu đồng. Ngay sau khi thu hoạch, chị Thuý cho thu dọn thực bì để lấy hiện trường trồng rừng mới. Theo tính toán, nếu thời tiết thuận lợi, gia đình chị thuê 5 nhân công cuốc hố, bón phân trong ba ngày thì có thể quay lại trồng.
Ông Mông Văn Minh, Trưởng thôn Lừa cho biết, thôn hiện có gần 100 hộ với hơn 100 ha rừng sản xuất. Nguồn thu chính của các hộ đều nhờ vào trồng rừng kinh tế. Trồng rừng kinh tế cho lãi cao nên mấy năm nay cuộc sống người dân thay đổi rõ rệt, một số hộ có điều kiện hơn đã chuyển sang trồng rừng gỗ lớn theo chu kỳ 10 năm mới khai thác.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sơn Động kiểm tra điều kiện của một cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp. |
Những ngày này, tại một số xã có phong trào trồng rừng mạnh như: Hữu Sản, An Lạc, Dương Hưu, Vân Sơn, Tuấn Đạo, Long Sơn, thị trấn Tây Yên Tử… nhiều hộ cũng đang hối hả vận chuyển cây giống đến nơi tập kết, tranh thủ khi có mưa xuân, huy động nhân lực, kinh phí để tổ chức trồng rừng cho kịp thời vụ.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng tại các cơ sở gieo ươm, đồng thời phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp cán bộ lâm nghiệp các xã trực tiếp đến hiện trường hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phấn đấu trồng cây nào chắc cây đó”. Ông Hoàng Liên Sơn, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động |
Là xã có diện tích đất lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở 4 thôn: Nà Vàng, Khả, Gà và Phe nên sau khi có kế hoạch trồng rừng, xã Vân Sơn tổ chức rà soát, thống kê diện tích đã khai thác làm cơ sở cho vụ trồng rừng mới. Ông Lê Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã thông tin, toàn xã phấn đấu trồng lại khoảng 180 ha rừng sản xuất, hiện người dân đang tập trung khai thác, một số diện tích khai thác sớm đã được trồng cây.
Bảo đảm chất lượng cây giống
Nhằm giúp người dân, chủ rừng không mua phải giống kém chất lượng, Hạt Kiểm lâm huyện đã công khai các cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống để nhân dân được biết. Hiện huyện có 27 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh sản xuất cây giống lâm nghiệp. Đến nay, các cơ sở này đã gieo ươm được gần 5 triệu cây. Bà Nguyễn Thị Vóc, cơ sở sản xuất cây giống ở xã Yên Định chia sẻ: "Nắm bắt đặc thù là huyện có diện tích rừng trồng lớn, từ tháng Giêng, người dân đã bắt đầu trồng rừng, vì vậy gia đình tôi chủ động làm đất, ươm cây giống từ tháng 10 năm trước. Tại thời điểm này, cơ sở sẵn sàng cung ứng gần 100 vạn cây giống các loại như: Keo lai, bạch đàn, thông và một số giống cây bản địa, lim xanh, lát, sến, táu… ".
Chất lượng giống bảo đảm do gia đình bà Vóc lựa chọn kỹ lưỡng nguyên liệu đầu vào, quá trình ươm thực hiện theo đúng quy trình và được cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn trước khi xuất bán.
Tìm hiểu tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động được biết, thời điểm này, đơn vị đã chuẩn bị xong các điều kiện về cây giống, phân bón, nhân lực cho vụ trồng rừng. Theo ông Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, năm nay, đơn vị dự kiến trồng lại 50 ha rừng, tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng. Với phương châm khai thác đến đâu trồng rừng ngay đến đó, đơn vị đã trồng được hơn 20 ha. Nhằm chủ động nguồn giống tốt, từ nhiều năm qua, đơn vị đã tự sản xuất các loại cây giống để phục vụ trồng rừng. Trong đó 80% là giống keo chất lượng, còn lại là bạch đàn CT4, 3229…
Tổng hợp chung, đến thời điểm này, người dân trong huyện đã trồng hơn 1 nghìn ha và 300 nghìn cây phân tán (lim xanh, sến, táu, thông…). Để bảo đảm nguồn cây giống cũng như chất lượng, năng suất gỗ rừng trồng, Hạt Kiểm lâm tham mưu với UBND huyện có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Phối hợp kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất giống kém chất lượng. Hạt Kiểm lâm huyện khuyến cáo các hộ dân không nên trồng rừng vào những đợt rét đậm, rét hại, chọn mua cây giống ở các cơ sở uy tín đã được niêm yết, bảo đảm quyền lợi và chất lượng gỗ rừng.
Quốc Phương - Xuân Thỏa
Ý kiến bạn đọc (0)