Khai hội chùa Vĩnh Nghiêm
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự buổi lễ. |
Dự buổi lễ có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy; Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; Thượng tọa Thích Thiện Văn, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; thượng tọa, đại đức; lãnh đạo các huyện, thành phố và đông đảo tăng ni, phật tử, nhân dân; du khách.
Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Bùi Quang Huy đánh trống khai hội. |
Diễn văn khai mạc của lãnh đạo huyện Yên Dũng nêu bật giá trị nổi bật chùa Vĩnh Nghiêm. Theo đó, chùa tọa lạc ở nơi có vị thế cảnh quan thiên nhiên đẹp. Sau khi sáng lập dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi đăng đàn thuyết pháp, đào luyện tăng ni trong cả nước. Nơi đây gồm nhiều công trình, kiến trúc độc đáo, tinh tế với nhiều giá trị văn hóa phi vật thể còn được lưu giữ.
Năm 2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; năm 2015 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Đáng chú ý là bộ mộc bản gồm 3.050 bản với 34 đầu sách chứa đựng những giá trị to lớn về ngôn ngữ, văn học, y học, phong thủy… được bảo toàn nguyên vẹn. Năm 2012, mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Rước lễ tại ngày hội. |
Thời gian qua, các ngành chức năng và huyện Yên Dũng đã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, trong đó có lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm. Đặc biệt, đã ban hành Đề án tổ chức lễ hội giai đoạn 2018- 2030, xác định nâng tầm lễ hội lên thành mùa lễ hội (được tổ chức từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch hằng năm). Lễ khai hội được tổ chức quy mô cấp huyện với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ hội. |
Sau phần đánh trống khai hội đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: Rước lễ của các làng La thuộc xã Trí Yên; thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ.
Nhân dịp này, các đại biểu dâng hương và tham quan, chiêm bái tại chùa. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra đến hết ngày 19-3 (tức ngày 14-2 âm lịch).
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)