Huyện Tân Yên cần tập trung phát triển giao thông và nông nghiệp hiệu quả cao
Cùng dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái chủ trì làm việc với BTV Huyện ủy Tân Yên. |
Phấn đấu đạt huyện chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025
Đồng chí Đinh Đức Cảnh, Bí thư Huyện ủy Tân Yên cho biết, xác định địa phương có vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng giao thông kém, xuống cấp và thiếu kết nối vùng là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển nên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Huyện sẽ đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng đô thị; tập trung cao giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án.
Hiện nay, Tân Yên đã quy hoạch và đề nghị tỉnh điều chỉnh bổ sung 5 KCN, 8 CCN với diện tích 1.393ha. Nông nghiệp Tân Yên là bức tranh sáng màu với 24 cánh đồng mẫu, 78 vùng sản xuất tập trung, hơn 400 trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Diện tích cây ăn quả hơn 3.525 ha với nhiều cây ăn quả đặc sản. Huyện Tân Yên chấn đấu đạt huyện chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2025, từng bước trở thành miền quê đáng sống.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu kết luận. |
Cùng đó, huyện tiếp tục xác định các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.
BTV Huyện ủy Tân Yên đề xuất, kiến nghị với tỉnh một số nội dung như: Quan tâm ưu tiên nguồn lực, có cơ chế chính sách xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; hỗ trợ thí điểm theo đặc thù của từng dự án về nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện khu dân cư sinh thái nhà vườn (khoảng 190ha) ở 3 xã Việt Lập, Liên Chung, Quế Nham. Có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện nghĩa trang An Lạc Viên (đã quy hoạch khoảng 40ha ở xã Liên Sơn); đầu tư xây dựng bến thủy nội địa tại xã Hợp Đức, bến cảng tại thôn Bến, xã Quế Nham…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu. |
Kết nối giao thông làm tiền đề phát triển
Khẳng định Tân Yên có vị trí địa lý, giao thông không thuận lợi cho phát triển, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bùi Thế Sơn cho rằng: Quan trọng nhất là giao thông phải mở, có sự kết nối với cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ bảo đảm đi lại thuận tiện và nhanh hơn. Vì vậy, trước mắt dành nguồn vốn đầu tư công để mở mới các tuyến đường hướng ra bên ngoài kết nối đường vành đai V thủ đô (dự kiến khởi công năm 2023) và đường 294B; đường 398B (khởi công cuối năm 2021); nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cũ. Như vậy, cùng với đường vành đai IV thủ đô, QL37, các vùng của Tân Yên sẽ được khai phá hết.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành gợi ý một số vấn đề. |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy thông tin: Tân Yên đang đứng 7/10 huyện, TP về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Đa số các dự án đầu tư vào địa bàn huyện đều rất nhỏ. Năm 2020, mới chỉ có 6 dự án với tổng mức đầu tư 67 tỷ đồng đầu tư vào địa bàn là quá thấp. Về dự án Công viên Nghĩa trang An Lạc Viên thuộc danh mục ưu tiên đầu tư, phải có đấu thầu; phải rà soát toàn bộ khu đất 40ha này xem đã phù hợp với quy hoạch chưa?
Với địa hình đa dạng, cơ cấu nông nghiệp ở Tân Yên chiếm tỷ trọng rất cao (hơn 40%), đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng cần có cơ chế đặc thù để Tân Yên thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại có nhiều nguồn vốn cho dự án này, trước mắt là dự án của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC và dự án chăn nuôi bò công nghệ cao. Về phát triển cây ăn quả cần hạn chế phát triển cây có múi.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đỗ Đức Hà phát biểu ý kiến. |
Tuy về đích huyện NTM đầu năm 2020, nhưng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Duy Trọng thì tồn tại lớn nhất ở Tân Yên là vẫn còn nhiều điểm tồn lưu rác, nhất là khu vực Khu đô thị An Huy (thị trấn Cao Thượng), khu vực sông Máng... chậm được xử lý. Đề nghị tiếp tục phát động phong trào dọn vệ sinh môi trường. Theo thống kê, đội ngũ cán bộ, công chức huyện đang bị mất cân đối về cơ cấu. Các ngành có tính chất kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp; chuyên môn giáo dục chiếm tỷ lệ cao (24,8%). Để phát triển công nghiệp thì phải cân đối lại.
Đồng chí Đỗ Đức Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng Tân Yên cần tiếp tục tiếp nối truyền thống đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh để tạo sức bật. Đồng chí đề nghị cấp ủy các cấp quan tâm công tác xây dựng Đảng nhất là làm tốt công tác tư tưởng. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã đồng bộ.
Để giải quyết được những vướng mắc của huyện Tân Yên bây giờ, đồng chí Lâm Thị Hương Thành cho rằng, tập thể BTV Huyện ủy phải rất quan tâm đến 2 vấn đề. Trước hết đó là giao thông phải mở rộng kết nối ra bên ngoài. Thứ hai, tập trung phát triển nông nghiệp nhưng phải là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thu nhập cao và tiến tới nông nghiệp hiệu quả cao. Về cơ cấu công chức hiện nay ở Tân Yên xác định ưu tiên cán bộ lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc…
Theo đồng chí Lê Ánh Dương, Tân Yên có truyền thống cách mạng, văn hóa rất rõ nét. Dư địa để phát triển công nghiệp, đô thị là rất lớn. Từ nay đến năm 2025, huyện cần tập trung cho phát triển giao thông kết nối để tạo tiền đề, sự bứt phá cho nhiệm kỳ sau. Quan tâm giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai. Tập trung công tác cán bộ, khơi dậy khát vọng cống hiến. Tạo cơ chế, điều chỉnh số lượng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, trước hết là củng cố một số phòng, ban như: Kinh tế, môi trường, Ban Quản lý dự án huyện...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Tân Yên có lợi thế đất đai rộng, huyện phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng. “Xác định diện tích đất này sử dụng vào mục đích gì, công nghiệp, nông nghiệp hay đô thị…để tập trung đầu tư, tránh công nghiệp ở xã này, bên cạnh lại làm nông nghiệp sạch, công nghệ cao thì không nên. Tính toán đầu tư cái gì cũng cần thận trọng. Không dàn trải, chỗ nào cũng có công nghiệp loang lổ. Nông nghiệp phải đầu tư thành vùng, làm ra tấm ra món”- đồng chí nhấn mạnh.
Nhiều tiềm năng để phát triển
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Thái ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Yên đạt được trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị BTV Huyện ủy Tân Yên tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu, nhất là ý kiến của đồng chí Lê Ánh Dương và Lâm Thị Hương Thành, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Yên.
Về nhiệm vụ trước mắt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện tập trung cao thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép", vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển KT-XH; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra những yếu tố làm chậm sự phát triển của huyện, nhất là về công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Đơn cử như dân số đô thị mới đạt 12% kéo theo dịch vụ phát triển chậm; công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường còn nhiều hạn chế, huyện còn hơn 8.000 trường hợp vi phạm về đất đai với diện tích 1.089 ha là quá nhiều, gấp đôi so với các huyện khác; năng lực cạnh tranh cấp huyện còn thấp, xếp loại người đứng đầu chưa cao; tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên thấp gần nhất tỉnh 72,9%; tai nạn giao thông tăng cả ba tiêu chí mặc dù giao thông chưa phát triển.
Phân tích thêm một số thuận lợi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá về tiềm lực phát triển của Tân Yên còn rất nhiều. Với lợi thế của “người đi sau”, đề nghị Tân Yên có sự phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm khi triển khai các dự án, tránh được những hạn chế của “người đi trước”.
Những bất lợi về giao thông tỉnh đã có cơ chế để khắc phục, trong đó đầu tư cho Tân Yên hơn 2.000 tỷ đồng để phát triển giao thông. Đây là cơ hội để Tân Yên phát triển bứt phá cho nhiệm kỳ sau.
Đồng chí đề nghị: Đội ngũ lãnh đạo huyện phải thể hiện sự đồng thuận, khát vọng vươn lên, truyền tinh thần này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân toàn huyện. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, coi đây là một lợi thế cạnh tranh địa phương nhằm thu hút đầu tư.
Quan tâm đến phát triển nông nghiệp nhưng là nông nghiệp hiệu quả cao (cả về thu nhập, môi trường và phát triển bền vững). Vì vậy phải có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực. “Tân Yên không vì đi sau mà thu hút đầu tư ồ ạt, thiếu hiệu quả; không vì mục tiêu trước mắt mà vội vàng; phát triển phải vừa toàn diện, vừa bền vững, không để mất cơ hội cho thế hệ sau”- đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
NTM nâng cao phải thực chất, thực sự là vùng quê đáng sống. Các phong trào phải được nuôi dưỡng trong nhân dân, thường xuyên phát động trồng hoa, nhổ cỏ, ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh...Tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, huyện có thể thuê tư vấn thiết kế (kể cả tư vấn nước ngoài) nếu hiệu quả, làm đâu được đấy, làm bài bản, chất lượng.
Quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kiên quyết xử lý kỷ luật cán bộ công chức đã kém năng lực lại sách nhiễu, gây phiền hà. Trong công tác cán bộ cần tính đến đội ngũ cán bộ 9X, trẻ; tìm tuyển ở những sinh viên giỏi, xuất sắc.
Đồng chí đề nghị sau buổi làm việc này, Thường trực Huyện ủy làm việc với các xã để nắm tình hình và nắm lại đội ngũ cán bộ để có sự quan tâm. Hết sức chú ý đến công tác kiểm tra, giám sát; bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.
Về các kiến nghị, đề xuất của huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao các sở, ngành liên quan xem xét, trao đổi thêm để có cơ sở giải quyết theo thẩm quyền.
Tin, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)