Hướng nghiệp cho học sinh phổ thông: Nhiều cơ hội lựa chọn
Đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, những năm gần đây, công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông được các trường chú trọng triển khai ngay từ khi các em bước vào đầu cấp và tăng cường khi bước vào năm học cuối của bậc học. Hình thức tư vấn đa dạng như mời chuyên gia, diễn giả nổi tiếng về nói chuyện; lồng ghép tư vấn tại buổi sinh hoạt cuối tuần tại lớp; sinh hoạt dưới cờ toàn trường. Thêm nữa, thông tin về tình trạng sinh viên thất nghiệp do học không đúng chuyên ngành mà thị trường lao động cần thời gian qua cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức của học sinh và cha mẹ các em. Nếu như trước đây hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học đại học, cao đẳng, thì từ năm 2015 đến nay, số học sinh thi THPT quốc gia lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp chiếm tới 45-55% tổng số thí sinh dự thi. Ở bậc THCS, từ năm học 2016-2017 đến nay có khoảng 3 nghìn học sinh/năm sau khi học xong lớp 9 đã vào các trường chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục hướng nghiệp để vừa học nghề vừa học văn hóa.
Một giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện - Tự động hóa (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp). |
Em Ngô Thị Tân, lớp 12 E, Trường THPT Hiệp Hòa số 6 nói: "Do điều kiện gia đình khó khăn cùng với lực học trung bình nên em dự định sau khi tốt nghiệp sẽ học nghề may để đi làm trong khu công nghiệp". Toàn trường có hơn 200 học sinh khối 12 thì có đến 80% xác định chỉ đăng ký thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp, sau đó học nghề hoặc chọn một công việc phù hợp để đi làm ngay.
Đa dạng ngành nghề đào tạo
Gần đây, xu hướng học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục hướng nghiệp trong tỉnh cũng được nhiều học sinh chọn lựa. Lợi ích thấy rõ khi tham gia mô hình này là tiết kiệm thời gian, chi phí học tập do được miễn học phí học văn hóa với nhóm theo hệ giáo dục thường xuyên. Mặt khác, các trường liên kết với doanh nghiệp giúp các em được trải nghiệm thực tế tại nhà xưởng, tăng khả năng thích nghi và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp khi ra trường; thời gian thực tập tại xưởng được doanh nghiệp trả lương.
Nhiều cơ sở giáo dục đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, mở rộng quy mô tuyển sinh và ngành nghề đào tạo. Năm trước, Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế tuyển 469 em vào học, vượt 34% chỉ tiêu. Kế hoạch năm nay, trường tuyển 450 học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề (hệ trung cấp) các nghề: Điện tử công nghiệp, may thời trang, công nghệ ô tô. Đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang hoàn thiện dãy nhà thực hành, đồng thời mở thêm 3 ngành mới gồm: Kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng khách sạn, chăm sóc sắc đẹp. Tiếp tục chỉ đạo đội ngũ giảng viên nâng chất lượng đào tạo các nghề như: Điện công nghiệp, điện tử dân dụng, kỹ thuật sửa chữa ô tô, cắt gọt kim loại...
Với học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu hướng nghiệp sớm, năm nay tại Bắc Giang có thêm một địa chỉ cho các em lựa chọn là Trường THPT Thân Nhân Trung (thuộc Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang).
Tuy vậy, theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để học sinh nắm bắt đầy đủ thông tin, lựa chọn đúng ngành nghề tương lai đòi hỏi các trường, nhất là thầy cô giáo, đoàn thanh niên trường học cần tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, giới thiệu. Trong đó, đặc biệt chú trọng cung cấp danh mục các nghề mà thị trường lao động đang có nhu cầu cao; địa chỉ, danh sách các trường có chất lượng đào tạo uy tín, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)