Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà
Theo đó, yêu cầu về cơ sở cho người nhiễm COVID-19 tại nhà là phải có nhà ở riêng biệt hoặc căn hộ chung cư riêng biệt hoặc nhà/căn hộ chung cư có phòng ở khép kín cho người điều trị (phòng có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng).
Ảnh minh họa. |
Nhà/phòng cho người nhiễm phải đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm thông thoáng khí, nên thường xuyên mở cửa sổ, vệ sinh phòng ở sạch sẽ bằng nước sát khuẩn, nước lau nhà. Phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân. Có thùng đựng chất thải, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi nilon để đựng chất thải.
Khuyến khích lắp camera để theo dõi, giám sát người bệnh. Có số điện thoại của bệnh nhân, bác sỹ Trạm Y tế/Trạm Y tế lưu động để tiện liên hệ theo dõi chăm
sóc.
Trước nhà/căn hộ có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY, ĐIỀU TRỊ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”; có thể chăng dây trước/xung quanh nhà.
Bố trí 1 phòng đệm cạnh phòng người bệnh để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe.
Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 huyện, căn cứ tình hình cụ thể của từng gia đình về điều kiện cơ sở vật chất để quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm an toàn công tác PCD tại địa phương, tránh lây lan dịch bệnh.
Yêu cầu về vật dụng cho người nhiễm Covid-19 tại nhà: Mọi đồ dùng cá nhân, đồ dùng vệ sinh… của người cách ly phải dùng riêng, trong đó có vật dụng cần thiết để người bệnh vệ sinh cá nhân: Xà phòng, dung dịch sát khuẩn, nước sinh hoạt; có dụng cụ, dung dịch vệ sinh khử khuẩn phòng ở để người bệnh tự vệ sinh khử khuẩn phòng hằng ngày; chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như: Khẩu trang y tế; găng tay y tế, nhiệt kế, bộ đo huyết áp…; các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: Cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày; các thuốc và đơn thuốc của bác sỹ đối với người nhiễm (nếu có). Không bố trí người ở cùng nhà là người già, người mắc bệnh nền, trẻ em dưới 7 tuổi.
Về đối tượng quản lý tại nhà: Là người mắc Covid-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ôxy; nhịp thở 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào; không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Cùng đó, người nhiễm có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu; có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính… Trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí.
Có cam kết với chính quyền địa phương và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly, điều trị. Đối với các thành viên trong gia đình người nhiễm Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp PCD theo quy định và thực hiện cách ly tuyệt đối tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Trạm Y tế/Trạm Y tế lưu động được phân công, thực hiện đánh giá người mắc Covid-19 theo các tiêu chí quy định; lập danh sách quản lý người mắc Covid-19 tại nhà.
Cán bộ y tế hướng dẫn người mắc Covid-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19 tại nhà 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều. Hướng dẫn người mắc Covid-19 cài đặt phần mềm “Sổ sức khoẻ điện tử” để thực hiện quản lý bằng phần mềm trong quá trình điều trị tại nhà.
Nội dung theo dõi hàng ngày là các chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể). Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ… Khi có dấu hiệu bất thường phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất.
Người mắc Covid-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
Xét nghiệm COVID-19 để kết thúc cách ly: Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vi rút SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin theo quy định; và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc- xin theo quy định. Làm xét nghiệm hoặc hướng dẫn tự xét nghiệm tại nhà cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người mắc Covid-19 (xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19.
Người bệnh sau khi kết thúc thời gian cách ly, điều trị tại nhà, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Đo thân nhiệt 02 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38℃ ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Tuân thủ thông điệp 5K.
TS (t/h)
Ý kiến bạn đọc (0)