Hợp đồng điện tử: Đòn bẩy phát triển kinh tế số
Chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh
Khảo sát của Bộ Công Thương trong sách trắng Thương mại điện tử 2021 cho thấy, có 33% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại. Hợp đồng điện tử áp dụng phổ biến với giao dịch xuyên biên giới, xuất, nhập khẩu, đặc biệt với thị trường các nước phát triển. Nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng giao dịch không tiếp xúc bùng nổ, các doanh nghiệp đã dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử vì có nhiều tiện lợi.
Đại diện Bộ Công Thương trao đổi với các doanh nghiệp về giải pháp phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam. |
Bên cạnh đó, hành lang phát lý cho việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã được hoàn thiện khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25-9-2021 quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Các thông tư hướng dẫn về quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hình thức công bố danh sách các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam cũng đã được Bộ Công Thương ban hành đầu năm nay.
Hợp đồng điện tử đi vào đời sống như bước phát triển tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập thế giới sôi động. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải đánh giá, ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ giúp các doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu suất kinh doanh mà còn tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy xã hội văn minh.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng với sự cạnh tranh cao, việc tìm kiếm được nhiều đối tác, nhiều thị trường mới với chi phí phù hợp cũng như khả năng phản ứng nhanh hơn với các cơ hội kinh doanh đem đến những lợi thế lớn cho doanh nghiệp. Áp dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Qua hơn 3 năm triển khai hợp đồng điện tử, Tổng Giám đốc Công ty Nền tảng chuyển đổi số Bkav (Tập đoàn Công nghệ Bkav) Nguyễn Khơ Din cho biết, việc áp dụng hợp đồng điện tử đã giúp Bkav tiết kiệm 70% chi phí in ấn, chuyển phát mỗi năm; quy trình cung cấp sản phẩm cho khách hàng được rút ngắn 50% thời gian so với hợp đồng thông thường.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, tại Việt Nam hợp đồng điện tử không còn là khái niệm mới lạ. Tính riêng trên nền tảng ký kết giữa các doanh nghiệp và cá nhân của công ty này (FPT.eContract) đã có hơn 2.000 khách hàng thực hiện giao kết tài liệu, hợp đồng điện tử. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel Phan Hoàng Việt khẳng định, việc số hóa quy trình ký kết hợp đồng là nhu cầu thiết yếu và là bước đệm để các doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu.
Chương trình ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam nhằm đẩy mạnh ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam, ngày 16-6. |
Đẩy mạnh phát triển hợp đồng điện tử
Nhằm đẩy mạnh phát triển hợp đồng điện tử, mới đây, Bộ Công Thương đã ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam hỗ trợ các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử vận hành dịch vụ đăng ký theo quy định. Bộ cũng đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ ba như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan thuế... kiểm tra, xác thực giá trị của hợp đồng điện tử.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho hay, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam là nơi cung cấp thông tin xác thực hợp đồng toàn quốc. Đồng thời, đây là nền tảng hỗ trợ, kết nối các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử với các nhà cung cấp dịch vụ dấu thời gian, chữ ký số, định danh và xác thực.
Mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ được truyền qua các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử đến Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bên thứ 3 có một trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh. Dự kiến, ngay trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng rộng rãi hợp đồng điện tử thay thế cho hợp đồng truyền thống, mở ra cuộc cách mạng về phương thức giao kết kinh doanh và thương mại tại Việt Nam.
Là một trong những nhà cung cấp giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel Phan Hoàng Việt cho biết, Viettel cung cấp trọn bộ giải pháp giúp doanh nghiệp “vận hành không giấy, ký số không chạm”. Việc kết nối giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử của Viettel vào Trục chứng thực hợp đồng điện tử Việt Nam sẽ bảo đảm tính bảo mật và toàn vẹn, đồng thời giúp các bên xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng, hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam sẽ phải đáp ứng đủ các tiêu chí, góp phần hoàn tất quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp. Các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử sau khi được cấp đăng ký, có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình bảo đảm tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu và sẵn sàng khả năng kiểm tra, xác thực giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.
Theo Hà Nội Mới
Ý kiến bạn đọc (0)