Hội thảo trực tuyến toàn quốc về dự thảo Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”
BẮC GIANG - Chiều 22/5, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội thảo trực tuyến toàn quốc về dự thảo Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”.
Hội thảo được tổ chức tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Hà Nội) kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa; đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn và đại diện một số sở, ngành tỉnh dự hội thảo tại điểm cầu Bắc Giang. |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Những năm qua, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của Việt Nam đã được lan tỏa ra thế giới. Nhiều giá trị tiêu biểu đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, trở thành thành tố nổi bật và hòa vào dòng chảy chung, làm phong phú thêm nền văn minh của nhân loại.
Đồng thời, Việt Nam đang từng bước trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế, chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn bản sắc, làm giàu nền văn hóa dân tộc. Hai quá trình này song hành, bổ trợ tích cực tạo thành sức mạnh mềm, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và định vị Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên tinh thần của Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế” để khẳng định, phát huy vai trò, đóng góp của công tác quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế. Việc xây dựng và triển khai Đề án có ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, tiếp nhận, chọn lọc các tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Dự thảo Đề án gồm 5 phần: Cơ sở xây dựng đề án; bối cảnh, cơ hội và thách thức; quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045; các giải pháp; tổ chức thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về những nội dung trong dự thảo Đề án. Trong đó tập trung về định hướng phát triển văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc; vai trò của văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước; chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng về phát triển công tác quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế; vai trò của ngoại giao văn hóa đối với quá trình quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế; sáng kiến, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong quá trình phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo Đề án làm rõ nội hàm về quốc tế hóa văn hóa Việt Nam, Việt Nam hóa văn hóa quốc tế; có sự cân bằng trong đánh giá kết quả, thành tích cũng như những hạn chế trong thực hiện nội dung này thời gian qua; giữa yếu tố đối ngoại và văn hóa… Đại diện các tỉnh, thành phố chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh hội nhập quốc tế văn hóa tại ngành, địa phương đồng thời đề xuất những ý tưởng, giải pháp để đạt hiệu quả cao hơn trong lĩnh vực này thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và có tính thực tiễn cao từ các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý báu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”, đồng thời cụ thể hóa thành các chương trình hành động thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả Đề án sau khi được Bộ chính trị thông qua cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhất là sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, đơn vị, tổ chức văn hóa, nghệ thuật và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội thảo, từ đó tham mưu xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện Đề án đồng bộ, hiệu quả, sát thực tiễn. Một trong những điều quan trọng là phải kiên định giữ được tinh hoa văn hóa Việt Nam và giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Đề án sẽ góp phần đưa văn hóa Việt Nam vươn xa, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa nhân loại vào đời sống văn hóa Việt Nam hài hòa, bền vững.
Ý kiến bạn đọc (0)