Hội thảo phát triển bền vững vùng cây ăn quả Lục Ngạn, ứng phó với biến đổi khí hậu
Quang cảnh hội thảo. |
Dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học đến từ các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh cùng hàng chục doanh nghiệp (DN), nhà vườn lớn trên địa bàn huyện.
Theo UBND huyện Lục Ngạn, xác định cây ăn quả mang thế mạnh đặc trưng của địa phương, những năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng cây ăn quả. Theo đó, toàn huyện hiện có 28 nghìn ha cây ăn quả, trong đó có 16 nghìn ha trồng vải thiều, gần 5,3 nghìn ha trồng cây có múi và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế như nhãn, táo, ổi, thanh long.
Giá trị sản xuất cây ăn quả hằng năm của huyện đạt từ 3 đến 3,5 nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy vậy, việc sản xuất cây ăn quả hàng hóa hiện nay đang gặp một số khó khăn như: Quy trình sản xuất chưa được được tuân thủ chặt chẽ, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Việc tăng trưởng nóng về diện tích làm phá vỡ quy hoạch cây ăn quả, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, hạ tầng. Sản xuất chưa gắn với chuỗi khép kín, chưa có nhiều mối liên kết giữa các tổ chức sản xuất với DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung gây khó khăn cho việc áp dụng KH&KT. Khí hậu có nhiều biến đổi theo hướng bất thuận làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng, giá trị cây ăn quả trên địa bàn huyện…
Các tham luận tại hội thảo đều nhất trí với chủ trương cần khống chế, không tăng thêm diện tích cây ăn quả để chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Cùng đó, việc nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, phát triển giống cây ăn quả mới cho giá trị kinh tế cao cần được quan tâm đúng mức. Ông Bùi Đức Long, phố Kép, xã Hồng Giang chia sẻ, là một trong những hộ trồng cam đầu tiên, lớn nhất huyện với hơn 15 ha nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tìm ra cách trị bệnh thối rễ trên cây cam ngọt. Nhiều năm nay, hễ cây mắc bệnh, các hộ như gia đình ông chỉ biết chặt bỏ, ngăn không cho lây bệnh sang cây khác. Ông đề nghị các nhà khoa học, các cấp, ngành quan tâm nghiên cứu, sớm tìm ra nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn loại bệnh nguy hiểm này, giúp người dân Lục Ngạn nâng cao giá trị sản xuất.
Vấn đề cung vượt quá cầu dẫn đến khủng hoảng thừa cũng khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Trong đó, bài học lớn nhất là cây chanh đào hiện nay đang không có đầu ra, giá bán giảm từ 20 đến 30 nghìn/kg xuống còn vài ba nghìn đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ khiến nhiều hộ lâm vào khó khăn.
Qua tiếp xúc, nghiên cứu thực tế, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vàng lá, thối rễ và một số bệnh trên cây cam hiện nay chủ yếu do nấm và vi rút có hại gây ra. Cách phòng bệnh tốt nhất là quản lý chặt chẽ cây giống, người dân không nên tự ý sử dụng các loại giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, các nhà vườn cần hình thành các khu sản xuất tập trung, chú trọng vệ sinh môi trường để hạn chế dịch bệnh lây lan…
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trên cây vải thiều, các nhà khoa học cho rằng, người dân có thể sử dụng một số cách như khoanh vỏ, trạm rễ vào khoảng tháng 11 hằng năm để kìm hãm sự phát triển lá của cây, giúp cây ra hoa, đậu quả đúng vụ. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại phân bón lá trước thời điểm cây bật lộc đông để đón lượt hoa đầu. Với cây nhãn và một số cây có múi, người dân có thể sử dụng một số loại thuốc thân thiện với môi trường được bày bán rộng rãi hiện nay để thúc cây ra hoa, đậu quả đúng vụ.
Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)