Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn sẽ diễn ra từ ngày 29-11 đến hết 1-12
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, mục đích chính của Hội chợ lần này là nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung ứng các loại trái cây chất lượng cao, những sản phẩm đặc trưng chế biến từ nông, lâm sản của các xã, thị trấn trong huyện ra thị trường; đồng thời gắn Hội chợ với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của huyện.
Hội chợ còn nhằm kết nối nhà nông với doanh nghiệp; thu hút du khách, tạo tiền đề phát triển kinh tế du lịch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm, cây ăn quả chủ lực của huyện theo hướng bền vững...
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thế Đại |
Tại buổi họp báo, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến giá trị kinh tế thu được từ cây ăn quả nói chung, cam, bưởi nói riêng đối với người dân trên địa bàn huyện.
Nét mới của Hội chợ năm nay; công tác bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của những trái cây bán tại Hội chợ và trong nhà vườn; việc xúc tiến, giới thiệu trái cây Lục Ngạn tại Thủ đô Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác trên cả nước…
Theo chương trình, dự kiến Hội chợ chính thức khai mạc vào 20h ngày 29-11 tại Quảng trường trung tâm huyện.
Hội chợ diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, trọng tâm là tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng và trái cây của huyện, với quy mô khoảng 80 gian hàng, trong đó 30 xã, thị trấn kết hợp với các nhà vườn tại địa phương trưng bày và bán trực tiếp các sản phẩm.
Mỗi đơn vị có từ 1-2 gian hàng (một gian trưng bày sản phẩm, một gian bán sản phẩm); đồng thời mời các huyện trong tỉnh, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện tham gia.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, nét mới của Hội chợ năm nay là quy mô, số lượng các gian trưng bày, bán sản phẩm nhiều hơn; một số doanh nghiệp du lịch đã liên hệ với các HTX, nhà vườn để đưa đón khách đến tham quan theo tuor tuyến; đồng thời tổ chức quảng bá sản phẩm cam, bưởi tại Hà Nội”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn trả lời, giải đáp các ý kiến của nhà báo. Ảnh: Thế Đại |
Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra Hội chợ, Ban tổ chức còn triển khai các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật; tổ chức đấu giá 4 sản phẩm trái cây đoạt giải Nhất thi chất lượng (bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng Lục Ngạn) để ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện; thi gian hàng trưng bày đẹp; trưng bày, bán sinh vật cảnh và Chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, với khoảng 80 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản sản phẩm đồ gia dụng, điện tử, quần áo, các sản phẩm công nghiệp, ngành nghề nông thôn…
Đặc biệt, năm nay UBND huyện Lục Ngạn đã chọn, bố trí 30 mô hình sản xuất, nhà vườn tiêu biểu ở các xã trên bàn huyện để tổ chức đưa khách tham quan, trải nghiệm miễn phí trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ. Qua đó giới thiệu các điểm, tour du lịch vùng cây ăn quả của huyện.
Nhà báo đặt câu hỏi tại buổi họp báo. Ảnh: Thế Đại |
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị từ hậu cần đến khánh tiết, an ninh trật tự phục vụ Hội chợ đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm sự kiện diễn ra an toàn, hiệu quả.
Được biết, hiện nay huyện Lục Ngạn có trên 27 nghìn ha cây ăn quả các loại, là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc nước ta; trong đó vải thiều gần 15,3 nghìn ha, sản lượng bình quân 100 nghìn tấn/năm; cây có múi hơn 6,7 nghìn ha (trong đó cam trên 4,2 nghìn ha, bưởi trên 2,3 nghìn ha), sản lượng năm 2019 ước đạt khoảng 60 nghìn tấn.
Bên cạnh phát triển các loại cây ăn quả, Lục Ngạn còn có một số sản phẩm truyền thống, đặc trưng đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến, như: Mỳ Chũ, rượu, mật ong, gạo nếp…
Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)