Hiệu quả sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược ở Lục Ngạn
Thứ 5: 10:35 ngày 26/10/2017
(BGĐT) - Với ưu điểm hạn chế gây ô nhiễm môi trường, độc hại cho người nông dân, giá thành rẻ, thuốc trừ sâu thảo dược tự chế đang được một số hộ dân ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đưa vào chăm sóc cây ăn quả có múi.
Anh Lê Văn Thuyết sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược chăm sóc vườn cam, bưởi. |
Qua sử dụng, nhiều người dân nhận thấy, ưu điểm của thuốc trừ sâu thảo dược này là giảm chi phí sản xuất. Ngoài việc phòng trừ sâu gây hại trên cây ăn quả còn sử dụng tốt cho rau xanh. Đặc biệt là khi sử dụng thuốc thảo dược không cần phải có nhiều thời gian cách li như thuốc hóa học; hạn chế mùi hóa chất gây ô nhiễm môi trường và không có vỏ bao bì nên không phải xử lý sau khi phun.
Gần đó, gia đình anh Lê Văn Thuyết cũng là hộ đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo dược cách đây gần 2 năm. Khi chúng tôi đến thăm vừa lúc anh Thuyết đang thực hiện việc phun thuốc cho vườn cam rộng gần 1 ha của gia đình mình. Anh cho hay: “Giờ phun thuốc phòng trừ sâu khác trước rồi. Trước kia để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hết vườn cây ăn quả này thì mùi thuốc hóa học nồng nặc, tối đến đau tức hết người phải mất mấy hôm mới lại sức. Giờ dùng thuốc thảo dược thấy dễ chịu hẳn, buổi sáng phun thuốc, tối về vẫn đi chơi được bình thường, không còn tình trạng mệt mỏi”. Yêu cầu đối với người sử dụng thuốc thảo dược là phải kiên trì và không nên lạm dụng phun quá nhiều gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Bởi nguyên liệu để dùng làm thuốc đều là loại có tính nóng. Từ khi sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược, rất ít khi anh Thuyết phải quay lại dùng thuốc trừ sâu hóa học. Chỉ khi nào thời tiết không thuận lợi, sâu phát triển thành dịch lớn thì mới phải dùng thuốc hóa học, sau đó lại dùng thuốc thảo dược. Không chỉ sử dụng thuốc thảo dược, anh Thuyết còn thường xuyên nghiền đỗ tương sau đó ngâm với chế phẩm làm phân bón tưới cho cây ăn quả thay thế cho các loại phân hóa học. Nhờ thế vườn cam của gia đình anh luôn xanh tốt, rất ít sâu bệnh.
Theo ông Đặng Quyết Thắng, phó trưởng thôn Chể thì thôn có 417 hộ sinh sống trên diện tích khoảng 5 km2, ngoài một phần đất ở còn lại phần lớn diện tích đất được bà con trồng cây ăn quả có múi. Vụ cam, bưởi năm ngoái, tuy thời tiết không thuận lợi nhưng ước tính cả thôn thu 70 tỷ đồng từ cây ăn quả. Trong đó hộ có hơn 30 hộ thu nhập 500 triệu đồng/năm trở lên, tương đương với những năm trước. Nhận thấy việc sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược có nhiều ưu điểm như giảm chi phí khoảng 30% so với dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; hạn chế ô nhiễm môi trường, độc hại cho người nông dân nên giờ đây đã có 1/3 hộ trong thôn làm theo.
Ngay khi nắm được thông tin một số hộ dân xã Phượng Sơn sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược trên cây ăn quả có múi hiệu quả, đồng chí Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đã đến kiểm tra thực tế tại thôn Chễ, đồng thời đánh giá cao hiệu quả của loại thuốc bảo vệ thực vật này. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn Tăng Văn Huy cho rằng, huyện Lục Ngạn có diện tích trồng cây ăn quả lớn, khoảng hơn 23 nghìn ha nên mỗi năm người dân trong huyện phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, do đó, Huyện ủy Lục Ngạn đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tiếp tục khảo sát, thử nghiệm, đánh giá loại thuốc này và nhân rộng nếu có hiệu quả.
Đức Thọ
Chủ đề:
Ý kiến bạn đọc (0)