Hiệp Hòa: Xây dựng điểm tập kết, khu xử lý không để rác tồn lưu
Tập trung điểm “nóng”
Trước đây trên địa bàn xã Mai Đình luôn “nóng” chuyện rác thải, nhất là khu vực đê tả Cầu, 7 km dọc tuyến đê thuộc các thôn: Mai Hạ, Mai Trung… trở thành nơi nhiều người dân xả rác sinh hoạt, sản xuất ảnh hưởng đến môi trường sống. Nguyên nhân chính là do chưa có bãi tập kết rác tập trung của xã và các thôn cũng chưa có điểm tập kết rác thải.
Người dân xã Đoan Bái chăm sóc đường hoa và dọn dẹp vệ sinh môi trường trong "Ngày Chủ nhật xanh". |
Trước thực trạng này, nhằm quyết tâm về đích nông thôn mới và thực hiện tốt Chỉ thị số 17, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề và tập trung cao cho công tác chỉ đạo, nhất là việc xây dựng các điểm tập kết rác thải ở từng thôn. Theo ông Hà Huy Hường, Chủ tịch UBND xã Mai Đình, nhờ sự tập trung cao trong chỉ đạo và quyết liệt trong thực hiện, đến nay 10/10 thôn trên địa bàn đã xây dựng được điểm tập kết rác thải; 96% người dân nộp phí vệ sinh môi trường.
Ngay sau khi có điểm tập kết rác thải, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể địa phương tuyên truyền đến hội viên nâng cao ý thức, không xả rác ra môi trường, đồng thời phân công lực lượng đoàn thanh niên làm nòng cốt phát động, duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, hội phụ nữ giám sát, đôn đốc các tổ vệ sinh môi trường, trồng con đường hoa… Nhờ đó tình trạng xả rác bừa bãi không còn, xã quyết tâm về đích nông thôn mới trong tháng 8.
Còn tại xã Bắc Lý, từ năm 2016, xã được trang bị một lò đốt rác với công suất khoảng 5 tạ/giờ. Thời gian đầu, công suất của lò đốt như vậy đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo ông Ngọ Văn Tráng, Giám đốc HTX vệ sinh môi trường Bắc Lý, hiện nay, mỗi ngày đơn vị đang thu gom khoảng 14 tấn rác thải trên địa bàn.
Lượng rác thải thu gom lớn, HTX phải bố trí 5 người hằng ngày chuyên phân loại, vận hành lò đốt nhưng cũng không kịp khiến khu xử lý rác thải bắt đầu có hiện tượng quá tải. Trước thực trạng này, huyện đã bố trí thêm 1 lò đốt có công suất 8 tạ/giờ cho khu xử lý rác thải tập trung xã Bắc Lý. Lò đốt sẽ được lắp đặt và đưa vào vận hành trong tháng 7, qua đó cơ bản khắc phục bất cập do lò đốt nhỏ, bảo đảm nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn xã Bắc Lý.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, huyện vẫn tập trung cao thực hiện giải phóng mặt bằng dự án khu xử lý chất rắn của huyện tại xã Đông Lỗ giai đoạn 1 với diện tích 5 ha, hiện đã phê duyệt phương án bồi thường cho 26/26 hộ.
Riêng với khoảng 25,2 nghìn tấn rác thải tồn lưu và rác thải phát sinh mới tại khu xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Thắng, huyện đã xây dựng phương án xử lý theo hình thức đầu tư xã hội hóa.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn có chuyển biến tích cực thời gian qua là do Ban Thường vụ Huyện ủy sớm ban hành Nghị quyết để thực hiện Chỉ thị 17 với mục tiêu huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải.
UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nhanh chóng rà soát quy hoạch, bố trí địa điểm xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải cấp xã, thôn và cụm thôn. Huyện giao cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu bố trí kinh phí hỗ trợ phương tiện, công cụ, dịch vụ thu gom, xử lý rác.
Riêng năm 2021, huyện bố trí hơn 15 tỷ đồng chi cho sự nghiệp môi trường, trong đó ưu tiên hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý, xử lý chất thải; xây dựng bãi xử lý rác thải tập trung, điểm tập kết, trung chuyển rác…
Toàn huyện hiện có 164/165 thôn xây dựng được điểm tập kết rác thải, 11/24 xã đã xây dựng được bãi rác thải tập trung; xây dựng được 25 lò đốt rác; 5 địa phương thành lập được hợp tác xã môi trường cấp xã; 19 địa phương thành lập tổ vệ sinh môi trường chuyên trách; 373 bể chứa vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật được xây dựng tại các cánh đồng. Riêng rác thải là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, huyện ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn để thu gom, vận chuyển xử lý 2 lần/năm.
Đi liền với các giải pháp trên, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức hiệu quả việc thu tiền dịch vụ xử lý rác thải nhằm tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường. Tỷ lệ các hộ nộp tiền dịch vụ xử lý rác toàn huyện đạt gần 95% (khoảng 11 tỷ đồng/năm). Theo ông Phùng Văn Sàng, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý, số tiền thu được cùng với phần hỗ trợ từ ngân sách, xã dành để chi trả cho hoạt động thu gom, vận hành lò đốt. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm phong quang, không có điểm tồn lưu rác.
Thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của huyện Hiệp Hòa là thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải tập trung theo công nghệ hiện đại; nghiên cứu xây dựng đề án xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi trong khu dân cư. Cùng đó chỉ đạo các ngành, đoàn thể duy trì hiệu quả các phong trào, mô hình vệ sinh môi trường, nhất là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.
Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chung tay cùng cấp ủy, chính quyền thu gom, xử lý triệt để rác thải, góp phần thực hiện hiệu quả, chất lượng tiêu chí môi trường để sớm về đích huyện nông thôn mới trong năm 2021.
Bài ảnh: Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)