Hiệp Hòa chấn chỉnh hành nghề y dược tư nhân
Cán bộ của Đoàn liên ngành huyện Hiệp Hòa kiểm tra một cơ sở y tế tư nhân tại thị trấn Thắng. |
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền
"Nếu để xảy ra sai phạm về hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện"- đó là khẳng định của ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa. Cũng theo ông Thịnh, quản lý chặt ở cấp xã là hiệu quả nhất, bởi với địa bàn nhỏ, đội ngũ cán bộ đông sẽ phát hiện sớm những di biến động của từng cá nhân cũng như tập thể trên địa bàn. Khám, chữa bệnh là hoạt động giao dịch nên không thể làm bí mật được.
Để thông tin kịp thời tình hình, theo quy định, trong cuộc họp giao ban hằng tháng với lãnh đạo huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải báo cáo về tình hình tăng hay giảm các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn. Bên cạnh đó có thể báo cáo đột xuất (bằng văn bản hoặc điện thoại) cho Chủ tịch UBND huyện khi phát hiện tình hình mới. Sau khi tiếp nhận thông tin, Chủ tịch UBND huyện sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, giám sát và xử lý khi có vi phạm.
Cùng với gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các phòng chuyên môn, nòng cốt là Phòng Y tế còn tổ chức phổ biến những quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, qua đó giúp họ có thông tin để kiểm tra, giám sát tại cơ sở đạt hiệu quả.
Song song với quản lý của chính quyền, lãnh đạo Phòng Y tế còn tham mưu với UBND huyện thành lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động ở các cơ sở. Theo ông Hoàng Văn Thìn, Trưởng Phòng Y tế huyện, có hai hình thức kiểm tra được áp dụng, đó là theo định kỳ và đột xuất. Hiệu quả nhất vẫn là kiểm tra đột xuất. Thực tế tới gần 90% những sai phạm được phát hiện qua hình thức kiểm tra đột xuất.
Xử lý nghiêm sai phạm
Thông tin từ phòng chuyên môn, đến thời điểm này toàn huyện có 176 cơ sở hành nghề, trong đó 56 hành nghề y và 120 kinh doanh dược. |
Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và phòng chuyên môn, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y, dược thời gian qua được tăng cường, đi vào nền nếp và thu nhiều kết quả. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, đã phát hiện 76 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực hành nghề. Những địa phương có nhiều cơ sở vi phạm là: Đông Lỗ, Bắc Lý, Đức Thắng, Lương Phong, Hợp Thịnh và thị trấn Thắng. Sau khi kiểm tra, đoàn liên ngành đã lập biên bản và xử phạt theo quy định. Đặc biệt, với 29 cơ sở không có giấy phép và 6 trường hợp không đủ các điều kiện hành nghề, ngoài xử phạt hành chính theo quy định, Phòng Y tế đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ra quyết định yêu cầu ngừng hoạt động và tháo dỡ biển quảng cáo. Tiếp đó, UBND huyện chỉ đạo Đài Truyền thanh huyện thường xuyên thông tin những trường hợp vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân biết cùng giám sát cũng như không sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này.
Với cách làm kiên quyết trên, đa số các cơ sở đều chấp hành nghiêm quyết định của Chủ tịch UBND huyện. Những tháng đầu năm 2018, tình trạng vi phạm giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Việc làm trên đã tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân. Công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực, người dân tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành và an tâm điều trị.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Thìn, do lợi nhuận từ việc hành nghề ở lĩnh vực này khá lớn nên nhiều chủ cơ sở sau khi bị xử lý, tháo dỡ biển vẫn tìm cách lén lút hoạt động. "Để công tác quản lý hành nghề y, dược tiếp tục đi vào nền nếp, chúng tôi đang tích cực phối hợp với lực lượng an ninh, quần chúng nhân dân để phát hiện những sai phạm. Với những người cố tình vi phạm lại là cán bộ đang làm việc tại các cơ sở y tế trong và ngoài huyện, cùng với xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, phòng sẽ phối hợp với các cơ sở quản lý để có biện pháp xử lý, đánh giá thi đua hằng năm”, ông Thìn nói.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)