Hiến đất, góp công xây dựng nông thôn mới
Một tuyến đường ngõ ở thôn Trạng, xã Đại Lâm được mở rộng nhờ người dân hiến đất. Ảnh: Thân Văn Phương. |
Chung sức xây dựng công trình
Dẫn chúng tôi đến khu trung tâm của thôn, nơi có nhà văn hóa khang trang liền kề với sân bóng đá, ông Đồng Huy Chung, Bí thư Chi bộ thôn Cánh Phượng, xã Hương Sơn nói: "Để có được khuôn viên này, thôn vận động nhân dân hiến 4.500 m2 đất, góp gần 400 ngày công. Riêng gia đình tôi hiến 400 m2 và ủng hộ 50 triệu đồng. Có nhà văn hóa, sân thể thao để tổ chức hội họp, vui chơi giải trí, bà con rất phấn khởi".
Tại xã Xương Lâm, phong trào hiến đất cũng được nhiều gia đình hưởng ứng. Đường làng, ngõ xóm được cứng hóa sạch đẹp. Ngoài đóng góp tiền, công sức, một số hộ tự nguyện cắt một phần đất thổ cư, đất vườn để mở rộng đường. Đơn cử như thôn Nam Tiến 3 có 63 hộ hiến hơn 2.000 m2 đất phục vụ làm đường giao thông nội đồng và xây dựng kênh mương. Ngoài ra, các hộ còn làm hệ thống điện thắp sáng đường làng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Nhờ sự chung tay của người dân, đến nay hầu hết các tuyến đường liên thôn của xã đều mở rộng từ 2,5m lên 4m, bảo đảm theo quy định, tiêu chí nông thôn mới.
Từ tuyên truyền, vận động, đầu năm ngoái, 70 hộ dân thôn Cả, xã Mỹ Thái đã dành hơn 10 nghìn m2 đất nông nghiệp đang canh tác để xây dựng thêm lớp học cho các cháu. Việc làm này giúp tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 800 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình.
Được biết, trước đây ở một số xã có tình trạng công trình khởi công chậm do khó giải phóng mặt bằng. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung vận động nhân dân hiến đất để giảm chi phí đầu tư và bảo đảm tiến độ thi công. Do đó, nhiều tuyến đường, nhà văn hóa, trường học, sân thể thao... được làm mới hoặc sang sửa thêm đẹp hơn.
Huy động bằng nhiều cách
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Lạng Giang có gần 1.000 hộ dân tham gia hiến hơn 25 nghìn m2 đất, góp hàng trăm ngày công lao động; phá dỡ gần 5 nghìn mét tường bao để xây dựng đường giao thông nông thôn và làm mới các công trình công cộng khác. |
Với phương châm "Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ", từ năm 2015 đến nay các cấp ủy, chính quyền và hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đã quan tâm làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công để làm các công trình công cộng, góp phần tạo diện mạo nông thôn mới. Quá trình triển khai các địa phương luôn đề cao vai trò chủ thể của người dân, từ đó có cách làm phù hợp để huy động sức dân như: Thành lập tổ giải phóng mặt bằng làm công tác tuyên truyền, vận động; mời những gia đình có đường, công trình đi qua phần đất của mình được tham gia, bàn bạc và giám sát thi công; tổ chức phát phiếu khảo sát sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung về hệ thống giao thông, thủy lợi...
Các tổ dân vận ở thôn trực tiếp gặp gỡ, thuyết phục để bà con hiểu ý nghĩa và lợi ích của việc làm các công trình công cộng. Ông Dương Văn Trưởng, Trưởng thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm bày tỏ: Tuy quỹ đất của thôn hạn hẹp nhưng được các tổ chức, hội đoàn thể ở cơ sở phân tích thấu đáo, nhiều người nhận thức được lợi ích chung. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, 35 hộ dân trong thôn đã hiến hơn 2.000 m2 đất để mở rộng đường thôn". Ngoài ra, năm 2017, huyện triển khai chủ trương hỗ trợ 100% xi-măng làm đường liên thôn, ngõ xóm ở 5 xã về đích nông thôn mới trong năm nay, UBND huyện chỉ đạo mỗi đơn vị làm điểm một tuyến đường với tổng chiều dài 2,5 km bảo đảm đúng quy cách, chất lượng. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: "Việc hiến đất không chỉ giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình công cộng mà còn thể hiện ý thức tham gia của nhân dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực về việc chấp hành pháp luật đất đai, giải phóng mặt bằng trong nhân dân".
Tuệ An - Thân Phương
Ý kiến bạn đọc (0)