Hệ luỵ từ chậm đăng ký, chỉnh lý biến động về đất đai
Gặp khó do nguồn gốc đất chưa rõ
Thời gian qua, tại một số địa phương của tỉnh phát sinh nhiều đơn thư khiếu kiện do chậm đăng ký, chỉnh lý biến động về đất đai, nhất là khi có dự án liên quan phải thu hồi đất hoặc đất tăng giá trị.
Một trong các trường hợp nêu trên là đơn thư của người dân thôn Trại Đồi, xã Minh Đức (Việt Yên). Năm 2021, huyện Việt Yên thu hồi khoảng 15 nghìn m2 đất nông nghiệp ở khu đồng Cống Trặng, thuộc thôn Trại Đồi để thực hiện dự án đường nối quốc lộ 37, 17 và đường tỉnh 292 (đoạn Việt Yên- Tân Yên - Lạng Giang). Quá trình thực hiện, UBND xã và cơ quan chuyên môn xác định diện tích thu hồi trên là đất công ích và lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định đất công ích. Phương án không được người dân đồng thuận vì cho rằng phần đất bị thu hồi là đất Nhà nước giao cho các hộ sử dụng ổn định từ năm 1993. Khoảng năm 2005, khi dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), các hộ thống nhất trích một phần đất canh tác để giao khoán lấy kinh phí phục vụ hoạt động phúc lợi chung của thôn. Diện tích này hiện vẫn có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất của các hộ. Về phía UBND xã Minh Đức khẳng định, sau DĐĐT, phần đất trên đã được đưa vào quỹ đất công ích tại địa phương.
Dự án xây dựng đường nối quốc lộ 37,17 và đường tỉnh 292 đoạn qua huyện Việt Yên gặp khó khăn khi GPMB do công tác chỉnh lý biến động về đất đai chưa kịp thời. |
Để giải quyết nội dung trên, UBND Việt Yên đã thành lập tổ công tác, giao Thanh tra huyện chủ trì xác minh, làm rõ nguồn gốc đất để trả lời công dân thôn Trại Đồi. Tuy vậy, việc xác định nguồn gốc đất gặp khó khăn do DĐĐT diễn ra đã lâu, giấy tờ, sổ sách liên quan lưu giữ không đầy đủ; giấy CNQSD đất cũ của các hộ dân chưa được thu hồi để chỉnh lý biến động, cấp lại theo thực tế sử dụng.
Mới đây, việc thu hồi đất làm dự án sân Golf Việt Yên cũng bị gần chục hộ dân thôn Tân Sơn, xã Trung Sơn khiếu nại về phương án bồi thường. Lãnh đạo xã Trung Sơn cho biết, nguyên nhân là do Ban quản lý thôn trước đây thoả thuận đổi ruộng cho các hộ có ruộng ở khu đồng trũng sang nhận canh tác ở vị trí khác để thôn lấy khu vực này làm hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu. Sau đó, do Ban quản lý thôn không đăng ký biến động về đất đai, dẫn đến tình trạng, các hộ có ruộng ở khu đồng trũng đã nhận ruộng ở nơi khác sử dụng nhưng vẫn còn diện tích này trong giấy CNQSD. Vì thế, khi khu hồ thuộc diện thu hồi làm dự án sân Golf, cơ quan chuyên môn lập phương án bồi thường theo diện đất công ích thì một số người dân có đơn thư.
Theo ông Đào Xuân Trường, Trưởng Ban Tiếp công dân huyện Việt Yên, đến thời điểm này, công dân thôn Trại Đồi, xã Minh Đức và thôn Tân Sơn, xã Trung Sơn vẫn chưa dừng khiếu kiện.
Không riêng tại huyện Việt Yên, việc chậm hoặc không đăng ký, điều chỉnh biến động về đất đai kịp thời dẫn đến tình trạng đất đai sử dụng trên thực tế và trên giấy tờ, sổ sách không giống nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến không ít vụ khiếu kiện, làm ảnh hưởng tiến độ GPMB các dự án liên quan cũng như mối quan hệ của người trong cuộc.
Ví dụ như vụ hộ bà Hoàng Thị T và hộ ông Chu Văn Th ở thôn Tân Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) đổi ruộng cho nhau từ năm 1993 mà không thực hiện việc đăng ký biến động về đất đai. Khi phát hiện hộ ông Th được cấp giấy CNQSD đất ở trên thửa ruộng của mình, bà T đã làm đơn gửi cơ quan chức năng đòi lại đất. Tình cảm, hòa khí giữa hai bên vì thế không còn. Cơ quan chuyên môn huyện Yên Dũng cũng mất không ít thời gian để giải quyết vụ việc này.
Kịp thời cập nhật, chỉnh lý biến động
Trước những tồn tại, hạn chế do lịch sử để lại trong việc chậm đăng ký, chỉnh lý biến động về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đăng ký, chỉnh lý biến động về đất đai tới người dân. Tích cực chỉ đạo rà soát, nắm chắc quỹ đất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; tăng cường quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để sớm tích hợp lên hệ thống điện tử, tạo thuận lợi cho việc quản lý, tra cứu thông tin.
Năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tổ chức chỉnh lý được hơn 123 nghìn trường hợp, đạt gần 90 % số đăng ký biến động trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, đây chủ yếu là các trường hợp đăng ký biến động hằng ngày... Đối với các dự án thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ an ninh- quốc phòng, phát triển KT-XH trên địa bàn, việc cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai hầu như chưa được thực hiện kịp thời do thiếu hồ sơ, thông tin liên quan. |
Ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trong phạm vi trách nhiệm, đơn vị đã yêu cầu chi nhánh văn phòng các huyện chỉnh lý bản đồ địa chính, thống nhất thông tin, dữ liệu, tập trung làm tốt việc cập nhật, chỉnh lý các biến động về đất đai. Đối với các trường hợp đăng ký biến động về đất đai chậm so với quy định thì yêu cầu lập biên bản xử lý vi phạm mới tiếp nhận hồ sơ giải quyết tiếp (các trường hợp không đăng ký biến động theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng). Theo đó, tính riêng năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tổ chức chỉnh lý được hơn 123 nghìn trường hợp, đạt gần 90 % số đăng ký biến động trên toàn tỉnh.
Qua tìm hiểu nhận thấy, số liệu cập nhật kể trên chủ yếu là các trường hợp đăng ký biến động hằng ngày của cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… Đối với các dự án thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ an ninh- quốc phòng, phát triển KT-XH trên địa bàn, việc cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai hầu như chưa được thực hiện kịp thời. Nhiều dự án đã hoàn thành xong thời gian dài nhưng chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có dự án chưa thể hoàn thiện việc chỉnh lý biến động do thiếu hồ sơ, thông tin liên quan.
Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm dự án được triển khai, đồng nghĩa có hàng nghìn trường hợp biến động về đất đai cần được điều chỉnh. Để ngăn ngừa những hệ luỵ từ việc chậm đăng ký, chỉnh lý biến động về đất đai thời gian tới, các đơn vị chủ đầu tư, UBND nơi thực hiện dự án cần phối hợp chặt chẽ với chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ngay từ khi triển khai dự án. Bảo đảm việc rà soát, thu thập tài liệu, hồ sơ, thông tin thuộc tính của chủ sử dụng đất được chuẩn xác, tạo thuận lợi cho việc lập phương án thu hồi, bồi thường GPMB, hạn chế đơn thư khiếu kiện.
Bài, ảnh: Thuỳ Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)