Hán quận công Thân Công Tài: Khai mở giao thương biên giới Lạng Sơn
Họ Thân, làng Yên Ninh có công mở mang học vấn, cung cấp nhiều hiền tài cho đất nước. Thời nhà Lê, làng Yên Ninh có đến 10 tiến sĩ, tiêu biểu là gia đình cụ Thân Nhân Trung có 4 tiến sĩ, một gia đình mà cả ông, cha, con, cháu đều đỗ tiến sĩ.
Quang cảnh lễ rước Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia Mộ và Đền thờ Hán Quận công Thân Công Tài (ngày 3-4-2016). Ảnh: Thu Lợi. |
Ngày nay ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội vẫn còn bia đá số 1484 và 1487, trong bia đá đó, Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã viết những câu bất hủ: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí".
Họ Thân ở làng Như Thiết, xã Hồng Thái (Việt Yên) có Tả Đô Đốc, Hán Quận công Thân Công Tài, là người dân tộc Tày, ông có công lớn với vùng đất biên cương Lạng Sơn. Khi với vai trò là một võ quan, một vị tướng, được triều đình giao cho trấn giữ biên giới Lạng Sơn với Trung Quốc, ông đã chăm lo lực lượng quân sự, củng cố quốc phòng, bảo vệ biên giới an ninh, toàn vẹn.
Khi trong vai trò là một viên quan dưới triều Lê Trung Hưng, với các chức: "Trí Nội thị Thư tả", "Đề đốc" cai trị cả một vùng rộng lớn của đất nước là Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, ông là một vị quan mẫn cán, thanh liêm, đức độ. Ông luôn gắn bó với vùng đất Lạng Sơn, đặc biệt là vùng biên giới với Trung Quốc- một vùng rừng núi nghèo, kém phát triển.
Sau nhiều năm tìm hiểu, quan sát, ông bàn với Vũ Quận công Vi Đức Thắng, một ông quan người địa phương cùng đứng ra mở chợ Kỳ Lừa để dân hai bên biên giới qua lại giao lưu, buôn bán. Chẳng bao lâu, chợ Kỳ Lừa đã trở thành một trung tâm buôn bán tấp nập. Ông còn là người vận động, huy động nhân dân vùng Lạng Sơn san đồi, bạt núi mở ra bảy con đường, thành lập ra bảy phường hội cho nhân dân các dân tộc trong vùng làm ăn buôn bán. Khâm phục và biết ơn ông, nhân dân biên giới hai bên đã tôn ông là "Sư phụ Lưỡng quốc khách nhân".
Hán Quận công Thân Công Tài là người thật sự tâm huyết với vùng biên ải Lạng Sơn. Vì vậy mà lòng dân thuận, quân lính nghiêm, cả một vùng biên giới yên ổn vẹn toàn. |
Thân Công Tài mất ngày 11-8-1683 (âm lịch), hưởng thọ 64 tuổi. Khi ông qua đời, thương nhân hai bên đã cùng lập đền thờ ông, gọi là đền thờ Tả Phủ Linh Từ (Phủ của quan Tả Đô đốc).
Công lao của Thân Công Tài được ghi trên bia đá dựng năm 1686 ở đền, vinh danh ông là "Tôn Sư phụ" (bậc thầy và cha tôn quý) và ghi trên đôi câu đối cũng treo tại đền như sau: "Lịch sử lưu danh tuyên hậu thế/Thương trường khai vị Hán Quận công" (Nghĩa là: Lịch sử lưu danh truyền muôn thủa/ Mở chợ gây dựng thương trường là Hán Quận công).
Tại TP Lạng Sơn hiện nay bên cạnh phố Kỳ Lừa còn có phố mang tên Thân Công Tài. Lễ hội đền Tả Phủ, tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn được tổ chức vào ngày 22 tháng Giêng để tưởng nhớ và tôn vinh công đức của ông.
Phần mộ của Tả Đô đốc, Hán Quận công Thân Công Tài được an táng tại quê hương xóm Ga, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái (Việt Yên). Đền thờ ông có tên là đền Như Thiết, được xây dựng từ năm 1686. Phần mộ và đền thờ ông đã được nhà nước công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Lễ hội đền thờ Như Thiết ở quê hương ông được tổ chức vào ngày 11-8 âm lịch hằng năm.
Tả Đô đốc Thân Công Tài là một ông quan thanh liêm, đức độ, luôn luôn nghĩ đến việc chung, việc cho dân, cho nước. Ông không tham lam, mưu lợi riêng, bằng chứng là: Đối với các thương nhân hai bên biên giới, mỗi lần qua lại là mang theo hàng hóa, sản vật, buôn bán, nhưng ông cũng không lợi dụng chức quyền của mình sách nhiễu dân, vơ vét của dân, chính vì thế mà ông được thương nhân cả hai bên tôn trọng, kính nể.
Ông là người thật sự tâm huyết với vùng biên ải Lạng Sơn, lúc nào cũng đau đáu với ý tưởng, lăn xả vào công việc: Lúc thì bạt núi, san đồi mở đường, mở phố, xây chợ... Lúc lại có mặt ở các đồn binh bảo vệ biên giới của đất nước, của dân tộc. Vì vậy mà lòng dân thuận, quân lính nghiêm, cả một vùng biên giới Lạng Sơn yên ổn vẹn toàn.
Từ khi ông bắt tay vào mở chợ, mở đường, khai phố, cả một vùng rừng núi biên giới như được đánh thức, sôi động, tấp nập, dân hai bên qua lại ngày một đông. Mặc dù thời kỳ này đất nước dưới sự trị vì của nhà Lê - Trịnh đầy biến động nhưng vùng đất Lạng Sơn, dưới sự quản lý của ông không những bình yên mà còn phát triển. Đó là nhờ vào tâm huyết, mẫn cán của Tả Đô đốc Thân Công Tài.
Nhà văn Đào Ngọc Du
Ý kiến bạn đọc (0)