Hai ông Nghè làng Trâu Lỗ
Chân dung cụ Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân. |
Đoàn Xuân Lôi - người khai sinh tên làng Trâu Lỗ
Truyền thuyết về lai lịch tên làng Trâu Lỗ được kể rằng: Năm Giáp Tý (1384), nhà Trần mở khoa thi Thái học sinh, Đoàn Xuân Lôi đỗ trạng nguyên. Khi làm quan trong triều, ông muốn làng mình luôn giữ được truyền thống hiếu học, khoa bảng, truyền thống Nho giáo (Đạo Khổng Tử và Mạnh Tử). Ông tâu với vua xin đổi tên làng Sổ thành làng Trâu Lỗ (nước Trâu và nước Lỗ là quê hương của Đức Khổng Tử và Mạnh Tử). Tên làng Trâu Lỗ có từ đó.
Sau khi đỗ trạng nguyên, ông được cử làm trợ giáo Quốc Tử Giám. Năm 1392, Hồ Quý Ly lúc đó đang giữ chức Đồng binh chương sự, Phụ chính thái sư viết sách Minh Đạo gồm 14 thiên. Sách Minh Đạo phê phán Khổng Tử. Nhận thấy đây là một âm mưu có ý chối bỏ cả đạo nghĩa vua tôi, Đoàn Xuân Lôi đã bác lại.
Trong một bức thư dài dâng lên vua, Đoàn Xuân Lôi đã vạch ra quan điểm sai trái của Hồ Quý Ly và coi sách Minh Đạo là ngụy thư. Mưu đồ bị vạch trần, Hồ Quý Ly tức giận giáng chức Đoàn Xuân Lôi từ Trung thư Thị Lang xuống làm Thông phán Ái Châu (Thanh Hoá). Năm 1397, Hồ Quý Ly ép vua dời đô vào Thanh Hoá gọi là Tây Đô. Khi đang xây thành, có kẻ dâng con bọ lá giống hình con ngựa, bọn xu nịnh cho là điềm tốt, Hồ Quý Ly đặt tên là Diệp mã nhi (con ngựa lá) và ra đề cho các danh sĩ làm thơ, phú chúc tụng. Đoàn Xuân Lôi đã làm bài phú “Diệp mã nhi” bằng chữ Hán có ý đả kích Hồ Quý Ly. Bài phú được truyền tụng rộng rãi.
Bản sắc phong cho cụ Nguyễn Đình Tuân. |
Nguyễn Đình Tuân - ông tổ của cây chè Tân Cương
Cũng sinh ra tại làng Sổ (1867), từ nhỏ, Nguyễn Đình Tuân đã nổi tiếng thông minh hơn người. 6 tuổi, ông đã học xong Tam Tự kinh, 8 tuổi học hết bộ luật ngữ và nửa bộ Khổng Tử. Đến tuổi 35, thần đồng làng Trâu Lỗ Nguyễn Đình Tuân đỗ đầu tiến sĩ khoa Tân Sửu 1901, trúng Đình nguyên (nhà Nguyễn không lấy trạng nguyên). Với những người đỗ đạt cao, Nhà vua “vời” vào thăm vườn Thượng uyển, cho phép mỗi tân quan hái một bông hoa mình thích để triều đình đúc vàng tặng bông hoa tương ứng cho vị quan đó. Nguyễn Đình Tuân chọn cho mình bông mai màu trắng nhỏ xíu nên ông còn có tên Hữu Mai và cũng là bút danh cho những tác phẩm văn học sau này.
Tiêu biểu là những trang Tự truyện được ghi trong gia phả của dòng Họ Nguyễn và bộ sách Đại Việt Quốc sử cải lương, viết bằng văn tự Hán-Nôm gồm 4 quyển, dày ngót một nghìn trang. Đây là bộ sử mà tác giả muốn cung cấp cho các thế hệ mai sau về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua các thời đại.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân được Triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm giữ nhiều trọng trách của đất nước và dấu ấn đậm nét nhất của ông là dành cho sự nghiệp “trồng người”. Từ khi làm giáo thụ tỉnh Yên Bái rồi làm Đốc học nhiều tỉnh, ông Nghè Tuân nổi tiếng là thầy hay chữ, có nhiều học trò đỗ đạt. Khi làm Tuần phủ Thái Nguyên, có một vùng đất thuộc huyện Đồng Hỷ hoang sơ, dân cư thưa thớt, Tuần phủ Nguyễn Đình Tuân cho thành lập xã mới mang tên Tân Cương. Đích thân ông về xem đất, chọn hướng cho xây cất ngôi đình.
Để dân thoát cảnh nghèo đói, ông đã đưa giống chè Phú Thọ về trồng ở nơi này. Hợp khí hậu và thổ nhưỡng, chè Tân Cương có năng suất cao, hương vị tuyệt vời. Có công lao xây dựng vùng đất trù phú nên khi còn sống, cụ Nghè đã được người dân Tân Cương tôn là Thành Hoàng và ông tổ của cây chè Tân Cương.
Trần Quyển - Thu Hường
Ý kiến bạn đọc (0)