Hai lò vòng ở Tân Mỹ dù bị cấm vẫn hoạt động: Cần sớm giải quyết dứt điểm
Lò gạch của gia đình ông Hoàng Văn Niền và ông Nguyễn Văn Thắng (phía xa) ở thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). |
Năm 2009, ông Hoàng Văn Niền được UBND huyện Yên Dũng cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng. Năm 2010, ông được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với diện tích gần 27 nghìn m2 để xây dựng lò vòng, nuôi trồng thủy sản tại thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ (thời điểm đó, xã Tân Mỹ vẫn thuộc huyện Yên Dũng - PV). Cũng trong năm 2010, UBND huyện Yên Dũng cấp giấy phép cho ông Niền xây lò vòng tại địa điểm này.
Ngoài diện tích gần 27 nghìn m2, ông Niền còn sử dụng gần 21 nghìn m2 đất liền kề mà ông giải thích là nhận sự ủy quyền của một cá nhân khác.
Tuy nhiên, chỉ có lò nung và ống khói là được phép xây dựng, các hạng mục như hệ thống mái che phơ gạch mộc, nhiều nhà cấp 4… là xây dựng không phép với diện tích lên đến hơn 10 nghìn m2.
Tương tự, năm 2009, ông Nguyễn Văn Thắng được UBND huyện Yên Dũng cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 20,5 nghìn m2 để xây dựng lò vòng và nuôi trồng thủy sản.
Ông Thắng đã xây dựng lò và ống khói theo giấy phép xây dựng do UBND huyện Yên Dũng cấp. Còn lại, hệ thống mái che phơ gạch mộc và nhà cấp 4 có diện tích hơn 10,7 nghìn m2 xây dựng không phép.
Hiện tại, cả hai lò còn khá nhiều phơ gạch mộc. |
Theo quy định, đến hết năm 2020, toàn bộ các lò vòng trên địa bàn tỉnh phải chấm dứt hoạt động. Đến thời hạn này, các cơ sở khác đã ngừng hoạt động song toàn tỉnh vẫn còn hai lò vòng của các ông Hoàng Văn Niền, Nguyễn Văn Thắng đun đốt bất chấp lệnh cấm gây bức xúc trong dư luận.
Tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân của tình trạng này là do hai cơ sở căn cứ vào quyết định và hợp đồng thuê đất với huyện Yên Dũng. Cụ thể, ông Niền trao đổi: “Gia đình tôi được UBND huyện Yên Dũng cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất đến tận năm 2034. Chúng tôi đã đầu tư số vốn rất lớn vào việc tôn tạo, xây dựng lò và các hạng mục khác. Nếu dừng hoạt động, chúng tôi mong muốn Nhà nước có đền bù thỏa đáng”.
Hộ ông Nguyễn Văn Thắng cũng như vậy, gia đình được UBND huyện Yên Dũng cho phép thuê đất đến tháng 5/2034. Ông Thắng nói: “Nếu dừng sản xuất gạch bằng lò vòng hiện có, gia đình tôi chắc chắn phá sản vì đã dốc toàn bộ vốn liếng vào đây. Mất nhiều năm xây dựng, cải tạo để có thể làm gạch, thời hạn đến năm 2020 phải chấm dứt hoạt động khiến chúng tôi chưa thu hồi đủ vốn”.
Trao đổi với bà Lê Thị Kiểm, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Bắc Giang được biết, từ ngày 1/1/2011, xã Tân Mỹ sáp nhập về TP Bắc Giang. Theo quy hoạch chung của TP, hai lò vòng nêu trên không thuộc khu vực sản xuất vật liệu xây dựng. Tiếp đó, UBND tỉnh có quy định về lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò vòng. Để thực hiện, TP Bắc Giang đã rất nhiều lần phối hợp với các sở, ngành của tỉnh họp bàn giải quyết đối với hai lò vòng này. UBND TP cũng đã báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh để có hướng giải quyết.
Lò vòng của gia đình ông Hoàng Văn Niền vẫn hoạt động bình thường, bất chấp lệnh cấm. |
Ngày 16/11/2020, Chủ tịch UBND TP có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư thôn Mỹ Cầu cạnh ngòi Đa Mai (sau đây gọi là dự án). Ngày 6/4/2021, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Đây được xem là giải pháp phù hợp nhất để xóa bỏ hai lò vòng và cũng là căn cứ để bồi thường cho hai hộ.
Đến ngày 21/10/2021, Chủ tịch UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP (chủ đầu tư dự án) cung cấp bản vẽ vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thu hồi thực hiện dự án cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP, trên cơ sở đó có trích lục bản đồ địa chính khu đất thu hồi. Tiến hành giao mốc trên thực địa, xác định chỉ giới thu hồi đất, bàn giao chỉ giới, trích lục bản đồ dự án cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp TP. Phân công cán bộ phụ trách dự án thường xuyên phối hợp với Trung tâm trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án.
Phòng Tài nguyên và Môi trường TP căn cứ hồ sơ dự án đầu tư được phê duyệt, danh mục dự án cần thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua, văn bản đề nghị thu hồi đất, GPMB của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, tham mưu Chủ tịch UBND TP quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, GPMB ở thôn Mỹ Cầu.
UBND xã Tân Mỹ có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp TP rà soát các thửa đất để thực hiện dự án. Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân có đất trong chỉ giới thu hồi thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Như vậy, giải pháp tháo gỡ vướng mắc đã có, đề nghị UBND TP Bắc Giang khẩn trương thực hiện, trước mắt có biện pháp dừng hoạt động của hai lò vòng sản xuất gạch ở thôn Mỹ Cầu. Đồng thời rà soát hồ sơ, kiểm tra thực địa để bồi thường thỏa đáng, GPMB đối với hai lò này, chấp hành nghiêm kế hoạch chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng của UBND tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)