Góp sức dựng xây đời sống mới
Hạt nhân từ cơ sở
Ông Nông Trần Hiên (SN 1979), dân tộc Nùng, ở thôn Trại Hồng, xã Hồng Kỳ là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Nhờ có diện tích đất lâm nghiệp lớn, từ năm 2014 đến nay, gia đình ông tập trung chăn nuôi gà, ong lấy mật và dê thương phẩm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Hiên còn tích cực hướng dẫn, giúp bà con trong vùng tăng gia sản xuất, có thêm việc làm và thu nhập.
Mô hình chăn nuôi dê của ông Nông Trần Hiên, thôn Trại Hồng, xã Hồng Kỳ. |
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dê thương phẩm và Mật ong Hồng Kỳ ra đời năm 2019 do ông quản lý liên kết với 9 hộ mở rộng quy mô chăn nuôi, mỗi năm cung cấp ra thị trường 6,5-7 nghìn con dê thương phẩm. Trong đó, ông Hiên nhận cung ứng giống, thức ăn, vắc - xin phòng bệnh và bao tiêu sản phẩm. Ông Hiên cho biết: “Nếu thị trường ổn định, mỗi con dê sau hơn 3 tháng nuôi cho lãi 700-800 nghìn đồng. Ở vùng này, nhiều hộ có quy mô nuôi 150-200 con/lứa, có năm lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng”.
Hiện xã Hồng Kỳ có gần 1 nghìn hội viên nông dân, phần lớn là đồng bào DTTS. Đến nay, trong tổ chức có khoảng 430 hội viên làm chủ hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên, thậm chí nhiều hộ thu tiền tỷ mỗi năm nhờ chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Trên địa bàn xã không còn hội viên nông dân nghèo.
Trong thi đua phát triển kinh tế, huyện Yên Thế còn nhiều cá nhân điển hình sáng tạo như anh Hoàng Xuân Mau (SN 1994), dân tộc Cao Lan, Phó Bí thư Chi đoàn bản Nghè, xã Xuân Lương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cao Lan. Anh Mau là thanh niên tiêu biểu tiên phong xây dựng mô hình “Nông trại Cao Lan”. Mô hình này đoạt giải tại cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang” năm 2021 và 2022 do Tỉnh đoàn và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức. Hay như anh Lý Văn Trường (SN 1978), người dân tộc Nùng, bản Gốc Dổi, xã Canh Nậu có xưởng sản xuất gỗ bóc, tạo việc làm cho 35 lao động địa phương với thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Đường giao thông bản La Xa, xã Đồng Vương được cứng hóa. |
Từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi lồng ghép với các chương trình, dự án khác, đến nay, toàn huyện Yên Thế có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Các xã hoàn thành tiêu chí, về đích NTM đều có sự ủng hộ, chung tay rất lớn của người dân với hàng chục tỷ đồng được đóng góp để nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng thiết chế văn hóa.
Giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện có hơn 2 nghìn hộ hiến khoảng 59 nghìn m2 đất, đóng góp hơn 15 tỷ đồng thi công xây dựng 286 đoạn đường tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp, với tổng chiều dài 150 km. Thành quả đó có sự tham gia của nhiều cán bộ, đảng viên, người có uy tín vùng DTTS.
Ông Lã Văn Khai, dân tộc Tày, (SN 1967), người có uy tín bản Đồng Đảng, xã Đồng Vương cho biết: “Tôi cùng với Ban công tác mặt trận thôn kiên trì sớm tối đến từng nhà có tuyến đường đi qua để vận động nhân dân hiến đất, ủng hộ kinh phí xây dựng. Nhờ vậy, đến nay, thôn đã có nhà văn hóa khang trang; đường bê tông cứng hóa, việc đi lại tiêu thụ nông sản của bà con theo đó thuận lợi hơn”.
Tôn vinh kịp thời, lan tỏa điển hình
Yên Thế là huyện miền núi có 14 thành phần dân tộc, trong đó có 6 DTTS chủ yếu gồm: Nùng, Tày, Cao Lan (Sán Chay), Dao, Sán Dìu, Mường, với tổng số hơn 34 nghìn người, chiếm 33,5% dân số toàn huyện. Đồng bào DTTS sinh sống trải đều ở các xã, thị trấn, một số nơi tập trung đông thành cộng đồng như xã: Hồng Kỳ, Đồng Vương, Canh Nậu, Tiến Thắng và Đồng Tiến…
Hát dân ca Cao Lan tại bản Ven, xã Xuân Lương. |
Huyện có 14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, 24 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tập trung triển khai chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025 huy động khoảng 149 tỷ đồng. Đây là chương trình lớn với nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần. Sau 2 năm thực hiện đã giúp gần 1 nghìn hộ dân trong vùng được hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phát triển sản xuất với kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Dịp này, 109 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Chủ tịch UBND huyện. |
Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi được xây mới, đưa vào sử dụng đã tạo đòn bẩy giúp bà con vươn lên thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay chỉ còn 3,76%.
Trên địa bàn hiện đã thành lập được các câu lạc bộ hát Sình ca tại bản Ven, xã Xuân Lương; hát Then ở xã Tiến Thắng, Canh Nậu, Hồng Kỳ; hát tiếng Sán Dìu tại xã Đông Sơn…
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để củng cố và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian tới, huyện Yên Thế tiếp tục bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để triển khai sáng tạo, phù hợp với đặc điểm điều kiện thực tế của địa phương.
Các phong trào thi đua có nội dung thiết thực như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Yên Thế chung sức xây dựng NTM”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”... Từ bài học kinh nghiệm thực tiễn, các phong trào thi đua sẽ được tổ chức thường xuyên và tập trung hơn, nhất là vào dịp diễn ra các ngày lễ lớn của đất nước. Quá trình thực hiện, chú trọng công tác khen thưởng, tạo sức lan tỏa ngày càng sâu rộng”.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)