Giúp người dân phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng
BẮC GIANG - Tội phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi, gây thiệt hại cho nhiều người. Thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng nhiều mô hình, giải pháp đấu tranh, phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, giúp người dân có kiến thức, kỹ năng nhận diện, phòng ngừa loại tội phạm này.
Mô hình mới, giải pháp hay
Là địa bàn trọng điểm công nghiệp của thị xã Việt Yên, phường Nếnh hiện có khoảng 24 nghìn nhân khẩu; 1,4 nghìn nhà trọ với hơn 24 nghìn lao động thuê trọ. Trước khi có hướng dẫn của Công an tỉnh về thành lập mô hình xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, Công an phường đã duy trì hiệu quả mô hình các trang Zalo OA, Facebook chính danh và nhóm Zalo kết nối giữa lực lượng công an với các chủ nhà trọ, chủ cơ sở karaoke, trường học... Các thông tin được truyền đi đã giúp người dân có thêm kiến thức nhận diện thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của tội phạm trên không gian mạng.
![]() |
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hướng dẫn học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang tham gia môi trường mạng an toàn. |
Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Công an phường cho biết: "Công an phường tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình trên. Qua những trang, nhóm trên mạng xã hội, Công an phường có thể nắm bắt tình hình an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng". Được biết, từ năm 2022 đến nay, người dân trên địa bàn phường Nếnh đã cung cấp hơn 100 tin báo tố giác. Từ nguồn tin này, Công an phường đã kịp thời ngăn chặn 1 vụ giả danh công an lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản; 2 vụ giả danh công an kích hoạt tài khoản định danh điện tử thu thập trái phép tài khoản ngân hàng và nhiều vụ vi phạm pháp luật khác.
Giữa tháng 4/2025, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh ký kết xây dựng mô hình “Bệnh viện an toàn trên không gian mạng và trong chuyển đổi số”. Để mô hình hoạt động hiệu quả, Bệnh viện thành lập nhóm Zalo, thành viên là tất cả các y, bác sĩ, cán bộ, người lao động tại đơn vị; xây dựng kênh Zalo OA, trang Facebook để đăng tải thông tin, hình ảnh. Tại đây, lãnh đạo của đơn vị có vai trò chỉ đạo điều hành, biên tập tin bài. Thông tin đăng tải đều được kiểm chứng, có độ chính xác cao. Nhờ đưa mô hình vào hoạt động, mỗi tuần, Ban Chỉ đạo mô hình của Bệnh viện Y học cổ truyền đăng tải 4-5 tin, bài, ảnh, video, clip về hoạt động của Bệnh viện; cách thức nhận diện, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng...
Theo Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh duy trì 333 nhóm Zalo giữa lực lượng công an và cán bộ, Nhân dân địa phương với hàng chục nghìn thành viên tham gia. Mỗi năm, thành viên các nhóm cung cấp hơn 2 nghìn tin có giá trị, giúp lực lượng công an giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Ngoài ra, quản trị các nhóm đăng tải hàng chục nghìn lượt tin, bài về đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm trên không gian mạng để người dân tiếp cận, chia sẻ.
Giữ thế trận an ninh vững chắc
Khi xã hội phát triển, các hoạt động thương mại diễn ra trên không gian mạng ngày càng sôi động. Lợi dụng điều này, một số đối tượng xấu chuyển hướng sang hoạt động trên môi trường mạng. Thủ đoạn của chúng thay đổi liên tục nên công tác đấu tranh, làm rõ gặp khó khăn. Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, đấu tranh 96 vụ liên quan đến tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, quảng cáo trực tuyến vi phạm pháp luật, mua bán vũ khí, xâm phạm trái phép mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử... gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Từ thực tế này, ngày 29/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, giai đoạn 2024-2030”. Cho đến nay, Bắc Giang vẫn là địa phương đầu tiên, duy nhất trên cả nước ban hành đề án về nội dung này. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng; huy động các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia.
Nhằm cụ thể hóa Đề án, năm 2025, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện; trọng tâm là xây dựng, nhân rộng các mô hình trong phong trào, tạo thành hạt nhân giúp cán bộ, Nhân dân có thêm kiến thức nhận diện, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Công an tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành hướng dẫn xây dựng, duy trì, nhân rộng, kết thúc, thanh loại mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng đối với một số cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Qua đó giúp hoạt động của các mô hình đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Trung tá Vũ Anh Đức, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phân tích thêm: “Mỗi mô hình khi đi vào hoạt động cần bảo đảm yêu cầu tập hợp đông đảo Nhân dân tham gia, tuyên truyền, lan tỏa thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thành viên tham gia mô hình được tuyên truyền kỹ năng, trang bị kiến thức bảo đảm an toàn, nhận diện thông tin xấu độc, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. Qua các kênh, nhóm đã thành lập, ban chỉ đạo mô hình, lãnh đạo đơn vị có thể tiếp nhận, xử lý kịp thời đối với thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân”.
Việc cụ thể hóa Đề án bằng các mô hình, giải pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng là hết sức cần thiết. Từ đó, giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết, nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các loại tội phạm, tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Ý kiến bạn đọc (0)