Gìn giữ làn điệu dân ca
NCT huyện Lục Ngạn tham gia giao lưu hát dân ca các dân tộc thiểu số. |
Truyền lửa đam mê
“Huyện Lục Ngạn có 7 dân tộc thiểu số (chiếm 49% dân số toàn huyện). Không ở nơi đâu mà đông đảo người dân tộc thiểu số lại đam mê hát dân ca dân tộc mình đến vậy” - đó là chia sẻ của ông Nguyễn Bá Đạt, Chủ tịch Hội NCT huyện Lục Ngạn. Ở bất cứ liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng hay đậm nét hơn là hội hát đầu xuân, bà con đều hát những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người. Dân tộc Nùng hát Sli, Soong hao; người Sán Dìu hát Soọng cô; người Sán Chí hát Cnắng cọô; người Cao Lan hát Sình ca… Đó là những câu đối đáp giao duyên không nhạc đệm nhưng mang âm hưởng của núi rừng, bản làng thân yêu, tình làng xóm hay tình yêu đôi lứa.
Đến nay, các chi hội và Hội NCT huyện đã thành lập 29 CLB hát dân ca ở 19 xã, đại diện cho 5 bản sắc dân tộc sinh sống trên “vùng đất vải thiều” là: Sán Dìu, Nùng, Sán Chí, Cao Lan và Tày. Mỗi CLB ra đời được huyện hỗ trợ 3 triệu đồng để mua trang phục dân tộc. |
Có mặt tại một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Hát dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao, được chứng kiến không khí truyền dạy của các hội viên cao tuổi tới thế hệ trẻ, chúng tôi thực sự cảm nhận được sức hút của dân ca trong đời sống. Dù chỉ là luyện tập nhưng mọi người đều mặc trang phục chàm xanh, đen, đeo tay nải như những diễn viên chuyên nghiệp. Mỗi tháng ba buổi, tại nhà văn hóa xã, các thành viên trẻ lại được hướng dẫn cách luyến láy, nhả chữ điệu Cnắng cọô của người Sán Chí. Ông Lâm Minh Sập, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Để lớp trẻ trong xã không bị cuốn theo dòng nhạc thị trường mà quên đi những làn điệu dân ca của quê hương, những hội viên cao tuổi không quản ngại đến từng gia đình vận động các cháu nhỏ tham gia. Chúng tôi đã già nên chỉ có cách này mới khơi dậy niềm đam mê âm nhạc dân gian và trách nhiệm của lớp trẻ trong gìn giữ văn hóa dân tộc”. Nhờ nỗ lực đó, đến nay CLB Hát dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao đã thu hút gần 20 thanh, thiếu niên theo học.
Cùng duy trì hoạt động nhóm hát nhưng các thành viên cao tuổi ở CLB Hát Sình ca của người Cao Lan ở xã Đèo Gia lại tổ chức sáng tác và thể hiện lời mới cho làn điệu cổ. Anh Bàng Văn Mạnh (SN 1985), một thành viên tích cực trong CLB cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, được các cụ truyền dạy, tôi đã thuộc hơn 200 bài hát của dân tộc mình. Từ biết đến mê hát lúc nào không hay. Tại các hội hát, liên hoan tổ chức ở địa phương, tôi đều kêu gọi bạn bè, người thân tham gia”.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày nhóm lên ngọn lửa đam mê, thôi thúc con cháu quay lại với những tinh hoa văn hóa truyền thống và gìn giữ chúng”. Ông Nguyễn Văn An, dân tộc Sán Dìu, Nghệ nhân ưu tú, Trưởng Ban liên lạc CLB hát dân ca dân tộc huyện Lục Ngạn |
Với những kinh nghiệm của mình, NCT đang nắm giữ hồn cốt, lối hát đặc trưng của những làn điệu dân ca. Vì thế nhiệm vụ gìn giữ những bản sắc quý báu đó được cấp ủy, chính quyền địa phương giao cho hội NCT. Hằng năm, Ban Chấp hành Hội NCT huyện Lục Ngạn chỉ đạo các hội cơ sở tập trung quán triệt việc duy trì mô hình tổ, nhóm, CLB hát tới từng hội viên; tích cực phối hợp với Huyện đoàn tổ chức hội hát, giao lưu dân ca ở xã, huyện, giới thiệu, truyền dạy những lời ca, tiếng hát tới thanh, thiếu niên. Khi điệu Sình ca của người Cao Lan và Cnắng cọô của người Sán Chí được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2012), NCT Lục Ngạn càng ý thức rõ hơn trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhằm phục hồi, phát huy, truyền dạy dân ca cho lớp trẻ, tạo sân chơi, không gian sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng để mọi người được giao lưu, học hỏi, từ nhiều năm nay, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lục Ngạn đã tổ chức hoạt động thường niên “Giao lưu các CLB hát dân ca các dân tộc huyện” (thường vào tháng Giêng). Đón một mùa xuân mới, cầu mong cho mọi điều tốt lành, đồng bào dân tộc thiểu số từ huyện Lục Ngạn và Đồng Mỏ, Chi Lăng (Lạng Sơn) nô nức rủ nhau xuống núi dự hội hát. Tiếp nối truyền thống, từng tốp thanh, thiếu niên say sưa với câu hát giao duyên “Soong hao pây lỉn xuân hát lượn, pú lượn là pú vui” (hai ta đi chơi xuân hát lượn, không lượn là không vui).
Từ nền tảng ông cha truyền dạy, nhiều bạn trẻ tích cực học tập, phát triển cách hát, lối hát, làm phong phú những điệu hát dân ca. Điển hình như Đoàn Thanh niên xã Hộ Đáp phát động phong trào “Tuổi trẻ xã Hộ Đáp góp sức bảo tồn dân ca Nùng”; Chi đoàn thôn Cống Luộc (xã Đèo Gia), thôn Bến Huyện (xã Nam Dương) thi sáng tác lời mới cho bài hát cổ của dân ca Cao Lan, Sán Dìu.
Để lưu giữ tiếng ca cho đời sau, ông Nguyễn Bá Đạt mong muốn cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cùng vào cuộc, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nhân rộng thêm những mô hình CLB hát dân ca; hỗ trợ kinh phí để việc tổ chức các hội hát, liên hoan hát dân ca... diễn ra thường xuyên hơn, tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết bản làng.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)