Giáo dục hướng nghiệp tiếp cận thị trường lao động
Dạy văn hóa và dạy nghề theo mô hình 9+
Với ưu thế cận kề Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn, những năm gần đây, công tác phân luồng học sinh tại Trường THCS Thái Đào (Lạng Giang) khá thuận lợi. Nhà trường có khoảng 25-30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học văn hóa kết hợp học nghề tại đây. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hằng năm, trường sắp xếp một số tiết học hướng nghiệp vào chương trình giảng dạy lớp 9. Bố trí giáo viên hiểu biết sâu rộng về ngành nghề, xu hướng thị trường lao động để định hướng phân luồng cho các em.
Giáo viên tư vấn nghề nghiệp cho học sinh tại TP Bắc Giang. |
Học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề hệ trung cấp (mô hình đào tạo nghề 9+) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn. Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn hiện có gần 1,8 nghìn học sinh theo học mô hình đào tạo nghề 9+.
Tham gia chương trình này, các em tiết kiệm được thời gian học tập, miễn chi phí học nghề. Học viên có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả dự tuyển vào các trường chuyên nghiệp theo nguyện vọng. Sau 3 năm học, các em có cả bằng THPT và bằng trung cấp nghề để có thể đi làm ngay tại các khu, cụm công nghiệp gần nhà.
Thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 của tỉnh, ngành GD&ĐT phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đối với các địa phương có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Xác định phân luồng học sinh sau tốt nghiệp là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các trường tích cực phối hợp với trường nghề tổ chức tư vấn định hướng giúp học sinh lựa chọn hình thức học tập phù hợp.
Ở Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang), những năm học gần đây, tỷ lệ phân luồng luôn đạt từ 20-22%, cao hơn bình quân chung của tỉnh. Qua rà soát sơ bộ, 5 năm trở lại đây, nhà trường có khoảng 300 em sau khi tốt nghiệp theo học nghề đã trở thành thợ bậc cao tại nhiều doanh nghiệp lớn ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới giáo dục hướng nghiệp
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, hằng năm, Bắc Giang thu hút khoảng 70 nghìn lao động từ tỉnh ngoài, nước ngoài vào làm việc tại 5 khu công nghiệp, trong đó thiếu rất nhiều lao động có tay nghề, chuyên môn cao. Trong khi đó, thực tế hiện nay lại có nhiều học sinh sau tốt nghiệp THPT chọn ngành, nghề chưa phù hợp với năng lực, sở trường, thậm chí chưa sát với yêu cầu và xu thế phát triển nghề nghiệp của xã hội dẫn đến tình trạng nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường không tìm được việc làm.
Những năm gần đây, nhận thức về định hướng nghề nghiệp của học sinh và phụ huynh đã có nhiều thay đổi tích cực. Số lượng học viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp nghề tăng. Nếu như năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 5,6 nghìn học viên thì đến năm 2021-2022, con số này tăng lên 8,3 nghìn. |
Hiện số học sinh theo học trường nghề đạt được còn thấp so với yêu cầu phân luồng. Toàn tỉnh mới có khoảng 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học trung cấp nghề.
Thực tế là phần đông các em vẫn có xu hướng muốn tiếp tục học lên các bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Cùng đó là công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 tại các trường THCS chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra hiện nay, phần lớn các trường phổ thông đều thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ công tác giáo dục hướng nghiệp, chưa có nhiều giáo viên chuyên trách giáo dục, tư vấn nghề nghiệp cho các em. Quy mô, năng lực của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chỉ tiêu được giao ít nên số học sinh theo học để được cấp đồng thời cả bằng trung cấp nghề với bằng THPT không nhiều.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngành sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi, tăng cường dạy học theo hướng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đa dạng hình thức tư vấn, giải quyết thấu đáo thắc mắc của học sinh, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin tuyển sinh, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực phù hợp.
Quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh học nghề, nhất là đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học tại cơ sở giáo dục dạy nghề.
Ý kiến bạn đọc (0)