Giáo dân Nguyễn Thái Bình giỏi làm kinh tế
Ông Nguyễn Thái Bình (trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng dứa. |
Như bao thanh niên cùng trang lứa, năm 1974, chàng thanh niên Nguyễn Thái Bình tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu, sau đó được cấp trên cử sang làm nhiệm vụ tại Biển Hồ (Campuchia). Năm 1982, hoàn thành nhiệm vụ ở nước bạn, anh cùng đồng đội về nước.
Trở về địa phương, Nguyễn Thái Bình lập gia đình với cô gái trẻ cùng quê rồi ra ở riêng với gia tài ban đầu 1,5 ha đất rừng. Ngày qua ngày, khu rừng hoang hóa khi xưa dần phủ xanh màu cây lâm nghiệp. Rồi hơn 500 gốc vải thiều bén rễ, đơm hoa đậu quả. Do chăm sóc tốt, mấy vụ liền vải thiều cho thu nhập khá, kinh tế gia đình dần bớt khó khăn. Nhiều năm sau, khi cây vải đã "bão hòa", ông đầu tư trồng bạch đàn mô, keo. Dưới chân đồi, ông trồng hơn 2 nghìn gốc dứa. Vào vụ, thương lái đến thu mua ngay tại vườn. Ba năm qua, vụ nào ông cũng thu hơn 100 triệu đồng từ dứa.
Ngoài ra, quanh nhà ông trồng 200 cây bưởi Diễn và thanh long; cấy 7 sào ruộng và chăn nuôi lợn nái. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình CCB này còn trồng xen canh một số loại cây ngắn ngày như đỗ, lạc... để lấp đầy diện tích đất trống, vừa có thêm nguồn thu. Đất không phụ công người, mấy năm qua, từ mô hình kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi, ông Bình thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Giờ đây mỗi lần qua rừng Hương, ai cũng tấm tắc khen khu vườn hoa thơm trái ngọt, cây cối xanh tươi từ mô hình trang trại của người lính năm xưa. Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Nguyễn Thái Bình còn là một giáo dân gương mẫu, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông cùng với chính quyền, các đoàn thể địa phương vận động giáo dân nơi đây tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.
Thân Văn Phương
Ý kiến bạn đọc (0)