Giảm mất cân bằng giới tính khi sinh: Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên
Gia tăng số người sinh con thứ ba
Từ năm 2004 đến nay, tỉnh Bắc Giang ở tình trạng MCBGTKS kéo dài, có thời điểm lên đến 126,3 nam/100 nữ. Gần đây, tỷ lệ này dù đã giảm nhẹ nhưng không ổn định, một số địa phương tăng cao đột biến khiến Bắc Giang vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, TP có tỷ số MCBGTKS cao nhất cả nước. Năm 2022, tỷ lệ này ước tính khoảng 116 nam/100 nữ. Một số huyện có tỷ số giới tính ở mức rất cao như: Yên Dũng, Lục Ngạn, Yên Thế.
Năm nay, tỷ số giới tính khi sinh ở huyện Yên Dũng cao nhất tỉnh với 130 bé trai/100 bé gái và cũng cao nhất trong gần 20 năm qua. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, dù huyện đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách của Nhà nước về dân số đến các cơ quan, đơn vị, khu dân cư song tình trạng vi phạm chính sách dân số vẫn xảy ra. Năm 2022 toàn huyện có 374 trường hợp sinh con thứ ba trở lên.
Thực tế, không chỉ các cặp vợ chồng đã có một hoặc hai con gái muốn sinh thêm con trai mà ngay cả các gia đình có con trai và con gái khi điều kiện kinh tế khá giả cũng muốn sinh thêm con với tâm lý “đông con, nhiều của”. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi mà còn phổ biến trong nhiều gia đình khu vực đô thị. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức công tác trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp vi phạm chính sách dân số. Từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 266 cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba (trong đó 197 đảng viên là cán bộ công chức, viên chức chiếm 74%). Phần lớn trong số trẻ em là con thứ ba được sinh ra là bé trai.
Đại diện lãnh đạo các ngành: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký chương trình phối hợp về phòng ngừa và ứng phó với lựa chọn giới tính khi sinh. |
Bà Lê Tố Quyên, Chi Cục trưởng Chi Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: “Bắc Giang là tỉnh dân số đông với gần 1,9 triệu người, tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con”, “dưỡng tử phòng lão” ăn sâu trong suy nghĩ của mọi người. Vì thế, câu chuyện phải sinh con trai để nương tựa lúc về già đã tạo áp lực cho các cặp vợ chồng, là nguyên nhân khiến tình trạng MCBGTKS gia tăng”. Ở một số gia đình, vai trò, vị trí của người phụ nữ và trẻ em gái chưa được coi trọng. Để đạt được ý nguyện sinh con trai, nhiều phụ nữ bất chấp nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe vẫn chủ động mang thai khi đã lớn tuổi, mang thai nhiều lần. Sự phát triển của y học cũng tạo điều kiện để nhiều gia đình lạm dụng cho mục đích lựa chọn giới tính thai nhi.
Xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc
Hệ luỵ của MCBGTKS là tình trạng thiếu hụt phụ nữ, dư thừa nam giới trong tương lai gần. Đến độ tuổi kết hôn, nam giới khó lấy vợ; phá vỡ mô hình gia đình truyền thống một vợ - một chồng. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện sẽ dẫn đến phải “nhập khẩu” cô dâu như ở một số quốc gia lân cận. Nguy cơ xảy ra bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, nạn hiếp dâm, mại dâm, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục gia tăng trong xã hội.
Tại Bắc Giang, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 31/8/2012 về tăng cường kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; Kế hoạch số 4423 ngày 5/10/2020 về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định mục tiêu hướng tới là xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Thực hiện chủ trương này, Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt thực hiện nhiều đề án, kế hoạch về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS. Phối hợp chỉ đạo các địa phương lồng ghép đưa nội dung chính sách dân số vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố. Tuy vậy, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân thực hiện chính sách dân số còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài tư tưởng trọng nam thì chính sách pháp luật chưa đủ mạnh, còn nhiều kẽ hở cho cán bộ, đảng viên “lách luật”, hợp thức hóa mục đích sinh con thứ ba trở lên.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu MCBGTKS. |
Xuất phát từ thực tế các chỉ số MCBGTKS cao so với mức sinh tự nhiên, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện Lục Ngạn và các địa phương như: Lục Nam, Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên, Yên Thế, TP Bắc Giang xác định tiếp tục đổi mới phương pháp truyền thông nhằm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người dân về công tác dân số. Trong đó tập trung vào đối tượng là nam giới, nhóm người có nguy cơ sinh lần ba trở lên và trẻ vị thành niên, thanh niên. Các tổ chức chính trị xã hội lựa chọn hình thức và nội dung truyền thông phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, đối tượng. Bà Trần Thị Cẩm Ly, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lục Nam chia sẻ: “Nhiều chị em chịu áp lực sinh con trai để giữ hạnh phúc gia đình nên thời gian tới các cấp hội tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, sẵn sàng lên tiếng bảo vệ sức khoẻ phụ nữ và trẻ em gái”.
Để giảm thiểu MCBGTKS, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cáp cấp cần quyết liệt chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế, từ năm 2022, tỉnh được Quỹ Dân số Liên Hợp quốc và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình lựa chọn triển khai mô hình “Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới". Với vai trò cơ quan chủ trì, Sở Y tế phối hợp với các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch lồng ghép chỉ đạo thực hiện công tác dân số phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chung tay thực hiện chính sách dân số. Thanh tra Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở y tế có hành vi lạm dụng kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm (thử máu, chọc hút dịch ối) để phục vụ mục đích lựa chọn giới tính thai nhi.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)