Giải quyết tranh chấp đất đai ở xã Hoàng Ninh (Việt Yên): Bản án chưa thể thi hành
Phần đất xây nhà cấp 4 tòa án hai cấp tuyên hộ ông Thoải phải cắt trả cho gia đình bà Liên. |
Sai sót từ sổ đỏ?
Năm 2014, vợ chồng bà Phùng Thị Liên và ông Trần Văn Muôn trú tại thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh có đơn khởi kiện yêu cầu gia đình ông bà Ngô Văn Thoải - Thân Thị Dậu, hàng xóm liền kề phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm. Tại Bản án số 15/2014/DSST ngày 5-11-2014 của TAND huyện Việt Yên và Bản án số 65/2015/DSPT ngày 15-9-2015 của TAND tỉnh Bắc Giang đều tuyên: Buộc ông Ngô Văn Thoải và bà Thân Thị Dậu phải tháo dỡ công trình là một phần nhà cấp 4 loại 5, tổng diện tích 5,52m2 để trả lại cho gia đình ông Muôn, bà Liên.
Trên cơ sở đơn yêu cầu của bà Phùng Thị Liên và ông Trần Văn Muôn, Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) huyện Việt Yên đã ban hành quyết định THA buộc hộ ông bà Thoải, Dậu phải tháo dỡ công trình đã xây dựng trên diện tích đất trên trả lại cho gia đình bà Liên. Tuy nhiên, quá trình thi hành án vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía gia đình ông Thoải - bị đơn trong vụ án. Ông Thoải trước sau khẳng định phần đất tòa án buộc hộ ông cắt trả gia đình bà Liên là đất của tổ tiên để lại. Gia đình ông đã sử dụng và xây dựng nhà trên đó từ trước khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành. Việc tòa án hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) cấp cho hộ ông năm 2006, hộ bà Liên năm 2010 và giấy cấp cho ông Nguyễn Văn Tuân (người chuyển nhượng đất cho bà Liên) năm 2002, cùng lời khai của một số người liên quan để phân xử là chưa khách quan. Bởi quá trình đo đạc, cấp GCNQSD đất cho hai gia đình, cơ quan chức năng huyện Việt Yên có sự nhầm lẫn, sai sót, cấp không đúng hiện trạng đất. Ông Thoải cho hay: “Khi thấy hộ bà Liên kiện đòi đất, gia đình tôi mới phát hiện sự nhầm lẫn này. Tại hai phiên tòa, tôi đều đề nghị làm rõ tình tiết này nhưng không được người “cầm cân, nảy mực” xem xét”.
Quá trình giải quyết vụ án, Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Việt Yên đã trực tiếp đo đạc, cung cấp cho TAND huyện bản trích đo hiện trạng hai thửa đất theo đúng thực tế sử dụng của các hộ. Kết quả đo hiện trạng cho thấy diện tích hai hộ đang sử dụng đều tăng so với số liệu ghi trong GCNQSD. Đất của hộ bà Liên đang sử dụng tăng 5m2, hộ ông Thoải tăng 19,2m2 so với GCNQSD được cấp. Nhưng không hiểu sao cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Việt Yên lại bỏ qua chi tiết này (?!).
Đáng tiếc là lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, người được Chủ tịch UBND huyện Việt Yên ủy quyền tham gia tố tụng đã xin phép vắng mặt trong cả hai phiên xét xử, chỉ gửi bản tự khai đến tòa. Nội dung khẳng định hồ sơ cấp GCNQSD đất cho các hộ trong vụ án đều được lập theo đúng quy định về trình tự, thủ tục. Đây là một trong những tình tiết dẫn tới bản án chưa khách quan.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Ngô Văn Thoải làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh không yêu cầu cơ quan chuyên môn làm rõ tình tiết có hay không sự nhầm lẫn khi cấp GCNQSD đất như bị đơn phản ánh mà vẫn tuyên y án sơ thẩm. Không đồng ý với phán quyết này, gia đình ông Thoải tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng các cấp đề nghị xem xét, giải quyết lại vụ án.
Đề nghị giám đốc thẩm bản án
Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên. Cơ quan THADS huyện Việt Yên đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng rồi lại tạm hoãn vì thấy có sai sót về căn cứ áp dụng. Bởi trong quá trình giải quyết vụ việc và xác minh để thi hành án, UBND xã Hoàng Ninh, Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên đã kiểm tra, đều khẳng định có sai sót về số liệu diện tích ghi trên GCNQSD đất với diện tích thực tế đo đạc hiện trạng mà hai hộ đã sử dụng từ trước tới nay. Diện tích đất hộ ông Thoải bị TAND hai cấp tuyên buộc phải cắt trả hộ bà Liên thực tế vẫn thuộc phần đất gia đình ông Thoải sử dụng ổn định từ năm 2000 trở về trước.
Từ những phán quyết thiếu căn cứ thực tiễn của tòa án, hai gia đình ông Trần Văn Muôn và Ngô Văn Thoải đang xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: Cơ quan chuyên môn làm chưa đúng thì phải sửa. Hiện UBND huyện đã đề nghị cơ quan THA hoãn thi hành bản án, kiến nghị xem xét lại vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các công dân liên quan. Trước đó, tháng 4-2016, Chi cục THADS huyện Việt Yên đã có công văn gửi Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, kiến nghị giám đốc thẩm đối với bản án số 65/2015/DSPT ngày 15-9-2015 của TAND tỉnh Bắc Giang nhưng chưa được xem xét.
Để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, sự nghiêm minh của pháp luật, đề nghị Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội rà soát, kiểm tra vụ án một cách khách quan, đúng luật nhằm chấm dứt tranh chấp, khiếu kiện giữa hai hộ, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương.
Dương - Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)