Giải quyết chế độ cho thương binh: Thiết thực tri ân
Một ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi đến gia đình ông Trần Song Tấu ở tổ dân phố Tân An, thị trấn Tân Dân (Yên Dũng). Ông mới được Bộ Tư lệnh Quân khu 1 trao giấy chứng nhận thương binh hạng ¾ dịp cuối tháng 12 vừa qua. Ông Tấu chia sẻ: “Tôi vui mừng không phải vì mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ thêm mấy triệu mà là sự hy sinh xương máu của mình trong kháng chiến được ghi nhận”. Được biết, ông Tấu tham gia quân ngũ từ tháng 4-1974, chiến đấu ở chiến trường miền Nam và bị thương trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau 34 năm tham gia quân ngũ, trải qua nhiều cương vị nhưng đến năm 2014, sau khi nghỉ hưu, ông mới quyết định làm hồ sơ thương binh. Do lưu giữ đầy đủ giấy tờ nên hồ sơ của ông được chính quyền địa phương, cơ quan chính sách thẩm định khá thuận lợi.
Cán bộ chính sách và tài chính Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang hướng dẫn thương binh làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. |
Trường hợp của ông Hoàng Quốc Đoàn, thôn Tân Mỹ, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) không thuận lợi như vậy. Năm 1974 và 1975, khi chiến đấu ở chiến trường Bình Định, ông hai lần bị thương do mảnh vỡ của đạn pháo, sức ép phải điều trị khoảng hai tháng ở trạm phẫu và bệnh xá. Tuy nhiên, do trong giai đoạn chiến đấu ác liệt, sau khi điều trị vết thương, ông nhanh chóng trở lại chiến trường nên không lưu giữ giấy tờ. Đến năm 1977, phục viên trở về địa phương, ông lại chuyển công tác sang ngành giáo dục nên không xác nhận lại giấy tờ bị thương trước đó. Tưởng chừng không thể làm được chế độ thương binh thì đến năm 2014, sau khi được tuyên truyền về chính sách mới của người có công với cách mạng, ông làm hồ sơ và được chuyển đến Bộ CHQS tỉnh và Quân khu 1. Cơ quan chức năng tiếp nhận, phối hợp kiểm tra tính chính xác của các loại giấy tờ. Sau khi đội ngũ y, bác sĩ kiểm tra, giám định thương tật, ông Đoàn được xác định là thương binh hạng ¾, vẫn còn mảnh đạn ở vùng đầu và đùi. Thông tin ghi trong hồ sơ đúng sự thật nên mới đây, ông được mời đến Bộ CHQS tỉnh để nhận truy lĩnh chế độ thương binh.
Đến nay, Bộ CHQS tỉnh nhận được hơn 500 hồ sơ, qua thẩm tra trình Quân khu 139 hồ sơ và năm 2018 vừa qua, 51 hồ sơ đã được giải quyết với tổng số tiền truy lĩnh gần 5 tỷ đồng. |
Nhằm hướng dẫn cụ thể cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân cách thức, quy trình cấp giấy chứng nhận thương binh, Chính phủ và các bộ liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết, nhất là với các đối tượng không còn giấy tờ. Thực hiện các quy định này, đến nay, Bộ CHQS tỉnh nhận được hơn 500 hồ sơ, qua thẩm tra trình Quân khu 139 hồ sơ và năm 2018 vừa qua, 51 hồ sơ đã được giải quyết với tổng số tiền truy lĩnh gần 5 tỷ đồng. Trao đổi với Thượng úy Trần Văn Chiên, Trợ lý chính sách (Bộ CHQS tỉnh) được biết, việc triển khai văn bản từ năm 2013 nhưng do quá trình thẩm tra, xác minh hồ sơ mất nhiều thời gian nên đến năm 2018 mới có những trường hợp đầu tiên được trao giấy chứng nhận thương binh. Các hồ sơ gửi đến đơn vị đa phần không có giấy tờ gốc, thời gian bị thương đã lâu, trí nhớ giảm sút nên nhiều thương binh khai các mốc thời gian không chính xác phải làm lại. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, để tránh trường hợp có đối tượng trục lợi, trong quá trình xem xét, thẩm định, cơ quan chức năng đề nghị Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng) giám định lại một số giấy tờ có nét chữ, hình chân dấu có dấu hiệu lạ. Đồng thời, việc chờ công văn xác nhận của các đơn vị quân đội cũng mất nhiều thời gian do có đơn vị đã sáp nhập, giải thể, không còn hồ sơ lưu trữ.
Đại tá Dương Quang Hùng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định, việc giải quyết chế độ cho những thương binh có ý nghĩa to lớn, vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã cống hiến một phần xương máu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa cổ vũ, động viên toàn xã hội quan tâm chăm sóc đối với những người có công với cách mạng. Vì vậy, thời gian tới, để việc giải quyết chế độ, chính sách cho thương binh nhanh chóng nhưng không để sót, lọt đối tượng, lực lượng vũ trang tỉnh sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn cán bộ trực tiếp làm hồ sơ ở cơ sở, từ đó hạn chế tối đa những sai sót về thủ tục. Đối với những địa phương có nhiều hồ sơ, có thể tăng cường cán bộ từ huyện, tỉnh về hỗ trợ theo hướng “cầm tay, chỉ việc”. Đồng thời, phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong việc giám định thương tật, xác minh hồ sơ bảo đảm đúng người, đúng chế độ.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)