Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh từ 0h ngày 1/4
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã đồng ý giảm thuế môi trường đối với xăng dầu đến hết năm nay, theo đề nghị của Chính phủ. Theo đó, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng, bắt đầu từ 0h ngày 1/4.
Ảnh minh họa. |
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu cho biết hôm 30/3 đã nhận được thông báo của Bộ Công Thương về việc thay đổi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1/4.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 18 về mức thuế bảo vệ môi trường đối xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ 0h ngày 1/4 đến hết ngày 31/12, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính dự kiến giá bán các mặt hàng xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 1/4 được thực hiện từ 0h. Do vậy, công tác chuẩn bị điều hành giá sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 19h đến 23h ngày 31/3.
Theo đó, các doanh nghiệp xăng dầu vừa được đề nghị bố trí nhân sự, đầu mối liên hệ để tiếp nhận thông tin, điều chỉnh giá bán trong hệ thống phân phối phù hợp với quy định.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 30/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, kỳ điều hành ngày 1/4 tới có thể hơi khác so với kỳ điều hành trước. Thông thường giá xăng dầu được điều chỉnh lúc 15h nhưng kỳ này áp dụng việc giảm thuế môi trường nên Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ căn cứ điều chỉnh để mang lại lợi ích cao nhất cho người dân, doanh nghiệp, tiêu dùng.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh 21/3, mỗi lít xăng RON 95 giảm 630 đồng, còn xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng. Sau giảm, giá xăng RON 95 vẫn là 29.192 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 28.330 đồng/lít, dầu diesel 23.630 đồng/lít, dầu hỏa 22.240 đồng/lít, dầu mazut 20.420 đồng/kg.
Trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá trong nước tăng do giá thế giới tăng. Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu tùy loại. Nếu không trích quỹ này thì theo ông Diên, Việt Nam "không thể có giá thấp hơn thế giới".
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Tài chính tính toán, sử dụng các công cụ để giá trong nước tăng thấp hơn thế giới và ở mức "chấp nhận được". Nếu trường hợp dùng hết các công cụ bình ổn giá, thuế nhưng diễn biến giá thế giới vẫn leo thang thì để kìm đà tăng giá bán trong nước có thể phải dùng tới các quỹ an sinh hỗ trợ người nghèo, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sử dụng nhiều xăng dầu.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)