Giá trị thẩm mỹ qua các bức chạm khắc ở đình Lỗ Hạnh
Kế thừa và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống thời Lê Sơ, mỹ thuật thời Mạc được phục hồi và phát triển mạnh mang nhiều nét văn hóa dân gian có tính độc đáo. Đình Lỗ Hạnh được xây dựng từ thời Mạc (năm 1576). Ngôi đình “đệ nhất Kinh Bắc” này còn lưu giữ nhiều bức chạm linh vật truyền thống trên các cấu kiện kiến trúc mang giá trị đặc trưng văn hóa ở thời kỳ này.
Đình Lỗ Hạnh. |
Hình rồng được chạm ở tòa đại đình của đình Lỗ Hạnh được thể hiện dưới dạng cá hoá rồng, rồng chầu mặt trời kiểu hoa cúc cách điệu. Đôi rồng cuộn thân với nhau để nâng một chiếc hoành phi đề chữ “Hoàng đế vạn tuế”. Hình tượng con rồng thời kỳ này cũng rất ít gặp trong các di tích khác, họa chăng còn có con rồng đá ở chùa Đoan Minh, Thổ Hà (Việt Yên). Rồng chạm khắc với mắt to mõm ngắn lại, thân mập và đặc biệt có những đao mảnh, dài lượn sóng nhẹ bay ra từ mắt và khuỷu rồi đè lên thân, chạy về phía sau.
Thời Mạc cũng là giai đoạn mở đầu cho sự đa dạng hình tượng phượng trong các công trình kiến trúc. Thời kỳ này mới chỉ thấy phượng xuất hiện trên gỗ dạng phù điêu chưa thấy có dạng tượng tròn. Phượng trang trí trên gỗ đình làng Lỗ Hạnh được chạm tỉ mỉ, có hình dáng như con chim nước với mỏ dài, mắt tròn, tóc bay ngược ra phía sau, thân mập, cánh ốp vào thân, chân dài. Đuôi phượng được tạo thành chùm tỏa ra xung quanh. Làm nền cho phượng là những vân mây cụm dạng vân xoắn, điểm những chiếc đao mảnh bay ra. Phượng ở tư thế đứng trên hệ thống vân xoắn kết lại thành mây. Bức chạm phượng ở đình Lỗ Hạnh là biểu tượng của thánh nhân, của vũ trụ với đầu đội trời và công lý, mắt là mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ và chân là đất. Hình tượng chim phượng ở đình Lỗ Hạnh kết hợp với các đao mác bay ra như biểu hiện của tầng trên và chứa đựng trong nó những siêu lực để gọi nguồn hạnh phúc, thể hiện ước vọng cầu mưa, cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Bức chạm khắc tại đình Lỗ Hạnh. Ảnh: Tiến Đạt. |
Con chim phượng được chạm ở đình Lỗ Hạnh được bố cục theo dạng nhìn nghiêng, mỏ không khoằm, mắt giọt lệ, thân tròn nổi mập. Đuôi là những cụm vân xoắn được tỏa ra kết hợp với những vân xoắn khác tạo thành nền thiêng. Qua đường nét chạm hình chim phượng ở đình Lỗ Hạnh cho thấy một tinh thần nghệ thuật đã tự do phóng khoáng muốn vượt ra ngoài khuôn khổ để hòa vào nét văn hóa dân gian của đời thường. Cùng với phượng là hạc, chúng được thể hiện rất ít. Lần đầu tiên đã tìm thấy ở đình Lỗ Hạnh. Hạc đứng nghiêm chỉnh, phần nào có nét quy phạm và có bố cục tương đồng với những con Hạc của thời sau. Ở những mảng chạm đình Lỗ Hạnh cũng xuất hiện những con chim nhỏ đang mổ môi lân.
Bức chạm linh vật lân ở đình Lỗ Hạnh là biểu trưng cho sức mạnh của tầng trên, cho trí tuệ, cho sự trong sáng nên có chức năng kiểm soát tâm hồn người hành hương. Hình tượng đôi lân ngồi chầu mặt trời ở đình Lỗ Hạnh có nhiều yếu tố dân gian, lân có thân chắc lẳn, thon cao, kiểu ngồi giống chó. Con hổ là biểu trưng cho sức mạnh của trần gian.
Con hổ ở đình Lỗ Hạnh cũng là một tác phẩm điêu khắc mang đầy tính chất dân gian ngẫu hứng có giá trị cao. Hổ trong thế đang nửa động nửa tĩnh, bố cục nghiêng nhưng mặt quay ra gần như nhìn thẳng, đuôi vắt ngược lên phía trên. Con hổ không được tạo theo lối tả thực mà được thể hiện theo lối dân gian xuất phát từ trong tâm thức. Thân hình hổ chắc khỏe nhưng chỉ nói lên sức mạnh tiềm ẩn mà không nói lên tính hung dữ, hình thức này vẫn mang nét mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng được thể hiện ở những đường lượn của bụng, lưng, đuôi…Trong quan niệm của người xưa, hổ cai quản mặt đất có khả năng trừ tà sát quỷ (nên thường xuất hiện ở mặt ngoài của bức bình phong trong đình, đền và được thờ ở hạ ban trong đền, điện Mẫu). Hổ không thuộc linh vật của tầng trên, vì thế con hổ được chạm ở một mảnh ván trên cốn của đình Lỗ Hạnh hiện vẫn còn là một dấu hỏi cho các nhà nghiên cứu.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)