Giá trị di sản sắc phong thần
Sắc phong cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh lưu giữ tại chùa Quỳnh Sơn (Yên Dũng). |
Trong các ngôi đình thờ Thành hoàng hay những ngôi từ đường một số dòng họ trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ hàng nghìn đạo sắc phong do các triều đình phong kiến phong tặng. Với các bề tôi có công với nước thì triều đình ban phong sắc thăng thưởng chức tước, quan lộc, diêm điền... Với các vị thần được địa phương tôn thờ ở đình, đền, miếu, phủ thì triều đình ban sắc ban phong mỹ tự tôn thần.
Nhiều đạo sắc phong thần chứa đựng thông tin có giá trị góp phần bổ sung, lý giải một số tồn nghi trong lịch sử. Dấu ấn về thư thể trên sắc phong thần luôn thể hiện rất rõ dấu ấn của từng triều đại, xem chữ trên sắc có thể giúp người đời liên tưởng đến sự thịnh suy của từng triều vua. |
Nhiều đạo sắc phong thần chứa đựng một số thông tin có giá trị góp phần bổ sung, lý giải một số tồn nghi trong lịch sử. Sắc phong thần còn là sở cứ xác nhận danh chức, danh tước, công trạng một số danh nhân lịch sử được làng xã tôn thờ làm phúc thần. Với những quy định khá chặt chẽ khi ban hành, mỗi đạo sắc phong thần là một văn vật độc bản nên rất được đề cao vì tính quý hiếm và giá trị lịch sử văn hóa. Mỗi đạo sắc phong thần đều được tạo ra bởi nhiều công đoạn với sự tham gia đóng góp của nhiều thợ thủ công hay các họa công lành nghề sáng tạo nên.
Dấu ấn quyền uy của sắc phong thần được thể hiện rất trang nghiêm ngay trên các đồ án trang trí, nổi bật là hình tượng rồng biểu tượng của vương quyền trên lòng sắc. Mặt sau thường vẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng), chim hạc, hà đồ, lạc thư hay các họa tiết chữ vạn, chữ thọ cũng biểu thị cho sức mạnh vương quyền và cầu mong vương quyền luôn được củng cố, bền vững trường tồn. Dòng ghi niên chế được áp triện kim bảo “Sắc mệnh chi bảo” (thời Lê - Nguyễn), “Tiên nhu chi bảo” (thời Tây Sơn), hay “Phong tặng chi bảo” ngay dưới niên hiệu vua ban hành.
Các đạo sắc phong thần là di sản văn hóa, phản ánh sâu sắc quyền uy tối thượng của nhà vua. Đơn cử, với sắc phong thời Nguyễn, đoạn cuối sắc phong bao giờ cũng nhắc lại lời vua gửi gắm cho thần phải “bảo ngã lê dân” (bảo vệ, che chở cho dân của ta) và ra lệnh “khâm tai!” (hãy tuân theo sắc này) để nhắc nhở thần và muôn dân phải nghiêm minh tuân hành.
Đạo sắc phong lưu giữ tại đình Phấn Sơn, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang). Ảnh tư liệu |
Các vị Thành hoàng được phong tặng là những nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là nhân thần (phúc thần) hay các thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên... Đối tượng được phong thần trên sắc phong cũng có thể là người dân bình thường nhưng có công khai hoang lập làng, truyền dạy nghề thủ công hoặc có công đức với cộng đồng… gắn liền với lịch sử làng xã cổ truyền. Thậm chí, có nhiều làng, người được sắc phong thần làm Thành hoàng chỉ là một người bình thường, có khi còn là ăn mày... Đạo sắc phong thần cổ nhất ở tỉnh Bắc Giang được phát hiện ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) có niên đại Dương Hòa năm thứ 3 (1637). Sắc phong năm Bảo Đại thứ 15 (1940) là những đạo sắc phong của ông vua cuối cùng triều Nguyễn và cũng là đợt cáo chung cho lệ ban sắc phong thần của nhà nước dưới thời quân chủ.
TS Nguyễn Văn Phong
Ý kiến bạn đọc (0)