Gác niềm vui riêng, chung tay phòng Covid-19
Dỡ rạp để phòng dịch
Những ngày này, câu chuyện về đám cưới của anh Ong Khắc Minh (SN 1992) thường được người dân ở thôn Tây, xã Cảnh Thụy nhắc đến và ngợi khen. Lễ cưới của anh Minh ấn định tổ chức vào ngày 2/5, dự kiến mời vài chục mâm khách, họ hàng, người thân...
Tuy nhiên, sắp đến ngày cưới, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Minh và vợ chưa cưới bàn bạc với gia đình quyết định dừng tổ chức tiệc cưới, chỉ làm lễ ăn hỏi, thành hôn gọn nhẹ, đơn giản.
Đám cưới của gia đình anh Ong Khắc Minh, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) được tổ chức gọn nhẹ (ảnh do nhân vật cung cấp). |
"Lúc đầu gia đình tôi cũng băn khoăn, cả đời mới có một lần làm đám cưới, khách đã mời nhưng vì bảo đảm sức khỏe cho bản thân và người khác, vợ chồng tôi chỉ làm phần lễ. Thời gian gấp, không kịp gọi điện nên gia đình tôi thông báo qua đầu mối của họ hàng, nhóm bạn bè, kết hợp mạng Zalo, Facebook để thông báo đến mọi người", anh Minh nói.
Tại lễ thành hôn, dù chỉ có người thân gia đình hai bên song ngoài máy đo thân nhiệt sẵn có của gia đình, anh Minh mượn thêm một máy đo nữa của xã. Trước khi vào nhà, mọi người được phát khẩu trang (nếu quên) và đề nghị rửa tay sát khuẩn. Anh Minh hiện là Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đồng Việt (Yên Dũng), là thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCD Covid-19 của xã nên cùng với chuẩn bị lễ thành hôn, anh tích cực nắm bắt tình hình, tuyên truyền nhân dân thực hiện các biện pháp PCD; rà soát, điều tra, yêu cầu thực hiện khai báo y tế đối với các trường hợp theo quy định.
Không chỉ gia đình anh Minh, nhiều hộ khác ở các xã: Cảnh Thụy, Tân An, Đức Giang, Xuân Phú (Yên Dũng) cũng hoãn đám cưới hoặc tổ chức đón dâu, không mở tiệc mời khách. Ông Vũ Trí Thống, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Dũng cho biết, BCĐ PCD Covid-19 huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân tổ chức tiệc cưới gọn nhẹ, không mời khách ngoại tỉnh, thực hiện các biện pháp PCD theo quy định.
Tìm hiểu tại xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) những ngày qua, nhiều việc cưới trên địa bàn cũng đã tạm hoãn. Đơn cử như việc cưới của anh Dương Ngọc Long, Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Tân dự kiến tổ chức vào ngày 8 và 9/5, gia đình đã phát thiếp mời song chủ động thông báo tạm hoãn. Hay việc cưới của anh Dương Văn Bình, gia chủ đã dựng rạp, thuê bàn ghế, chuẩn bị thực phẩm nhưng cũng tạm hoãn; sáng 4/5, toàn bộ rạp cưới được tháo dỡ.
Gia đình anh Dương Văn Ninh dự kiến tổ chức tiệc cưới vào ngày 6, 7/5/2021 cũng thông báo dừng tiếp khách và chỉ làm khoảng 4-5 mâm cỗ phục vụ nhà trai đi đón dâu. Anh Nguyễn Văn Toản, Bí thư Đoàn xã Thái Sơn cho biết, qua tuyên truyền, vận động, hầu hết các gia đình đều vui vẻ hoãn đám cưới và cho rằng đây là việc làm rất cần thiết. Nhiều người ở địa phương khác còn đến xã Thái Sơn nhờ thông báo dừng cưới lên hệ thống truyền thanh để bà con biết. “Thời gian này, chúng tôi tiếp tục nắm bắt các gia đình dự kiến tổ chức việc cưới, trực tiếp đến tận nhà tuyên truyền, vận động, kết hợp thông báo trên loa truyền thanh để họ tạm dừng”, anh Toản nói.
Nâng cao ý thức phòng ngừa
Không chỉ thu gọn hoặc tạm hoãn việc cưới, nhiều cuộc vui, họp mặt, liên hoan, gặp gỡ, giao lưu, du lịch cũng được nhiều cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân gác lại. Chị Nguyễn Thị Dung, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết, đầu tháng 5, lớp chị dự kiến họp lớp cấp 3 kỷ niệm 20 năm ra trường. Mọi người đã thuê áo đồng phục, đặt ăn nhà hàng, thuê thợ chụp ảnh song do lo ngại dịch bệnh nên quyết định hoãn cuộc vui. “Do điều kiện công việc, hoàn cảnh mỗi người khác nhau, 20 năm nay, chúng tôi mới tổ chức được sự kiện này, dù tiếc nuối nhưng tụ tập đông người thời điểm này thì vui ít, lo nhiều nên dừng là hợp lý”, chị Dung nói.
Đối với hộ bà Hoàng Thị Liên, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhà bà có giỗ. Ban đầu, bà định làm 7-8 mâm cỗ mời người thân vì đã khá lâu chưa có dịp sum họp, quây quần. Do dịch diễn biến phức tạp, bà Liên chỉ làm 2 mâm, thành phần là con cháu ruột trong gia đình. "Vui vẻ, sum họp ai cũng muốn nhưng cả xã hội đang chung sức chống dịch thì mỗi người dân càng phải có ý thức phòng ngừa, phải vì việc chung", bà Liên tâm sự.
Đoàn Thanh niên xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) tuyên truyền người dân tạm dừng đám cưới để phòng dịch Covid-19 (ảnh do Đoàn xã Thái Sơn cung cấp). |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ở trong nước xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh Bắc Giang cũng có không ít người thuộc diện F1, nhiều gia đình, tập thể chủ động dừng, hoãn, giảm quy mô tổ chức đám cưới, các cuộc liên hoan, tiệc tùng… để chung tay phòng dịch. Đây là việc làm rất đáng biểu dương thể hiện tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức...
Thực tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh, không ít địa phương phải gồng mình truy vết, khoanh vùng, dập dịch do có trường hợp F0, F1 đi dự các đám cưới. Mới đây, chị L.Q.A ở quận Hai Bà Trưng, (Hà Nội) là nhân viên quán bar Sunny (Vĩnh Phúc) được cơ quan y tế công bố nhiễm Covid-19. Trước đó, chị này có di chuyển đến nhiều địa điểm ở TP Bắc Giang, trong đó có dự đám cưới của gia đình ông N.V.L, ngõ 5, đường Lều Văn Minh, phường Xương Giang. Chỉ vì một trường hợp này mà nhiều khu dân cư bị phong tỏa, hàng nghìn học sinh phải nghỉ học, hàng trăm người liên quan vẫn nơm nớp nỗi lo dịch lây lan.
Mỗi người dân, khu dân cư được xem là “pháo đài” PCD. Do đó, vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng, vì sự phát triển KT-XH của đất nước, mỗi người, mỗi nhà, từng tổ chức, cơ quan, tập thể cần tiếp tục nâng cao ý thức PCD; tạm gác niềm vui riêng để bảo vệ thành quả chống dịch. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ công dân mà còn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mỗi người.
Ý kiến bạn đọc (0)