Ga đường sắt liên vận quốc tế Kép: Mở rộng cơ hội giao thương
Đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu
Ga Kép là ga hạng 2 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội (Yên Viên) - Đồng Đăng, là điểm bắt đầu của 2 tuyến đường Kép - Hạ Long - Cái Lân và tuyến đường Kép - Lưu Xá. Hiện nay tại ga có 9 đường đón gửi hàng và xếp dỡ. Thiết bị phục vụ hàng hóa có 2 kho, diện tích 1.200 m2; 2 bãi xếp dỡ nền đất diện tích 4.300 m2; một bãi hàng bê tông hơn 27.000 m2.
Để thuận lợi cho việc vận hành, đến nay Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực vận hành. Khu kho hàng đã có các container, xe cẩu phục vụ xếp dỡ hàng. Cùng đó, cơ quan Hải quan cũng bố trí nhân sự gồm 13 người làm công tác hải quan tại đây để giải quyết thủ tục cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN thông tin, khi đi vào vận hành, bước đầu, ga Kép được tổ chức lập tàu liên vận quốc tế bình quân 1,5-2 đôi/ngày tuyến Kép - Đồng Đăng - Bằng Tường. Lập, giải thể, tiếp chuyển tàu nội địa Bắc Nam 1 đôi/ngày. Dự kiến năng lực xếp dỡ bình quân 80-100 toa xe/container/ngày. Nguồn hàng khai thác gồm: Hàng điện tử, công nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng; gỗ công nghiệp, quặng thô.
Ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế. |
Giai đoạn tiếp theo, ga Kép sẽ xây dựng kho bãi ngoại quan để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận. Bãi hàng chuyên tiếp nhận container lạnh chuyển tải từ phía Nam ra tập kết, làm thủ tục hải quan và xếp vận chuyển bằng đường sắt xuất khẩu sang Trung Quốc. Năng lực dự kiến giai đoạn 2 tăng thêm 2-2,5 đôi tàu/ngày.
Là khu vực kinh tế đang phát triển mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu của DN tỉnh Bắc Giang với thị trường Trung Quốc khá lớn. Theo Sở Công Thương, năm 2022, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,5 tỷ USD, nhập khẩu 7,9 tỷ USD. Hàng hóa từ Trung Quốc về Bắc Giang và ngược lại được các DN vận chuyển thông qua các hình thức: Đường bộ, đường biển, đường hàng không và đường sắt. Trong đó, phương thức vận chuyển được DN lựa chọn nhiều nhất vẫn là đường biển và đường bộ. Hiện mới có 4 DN xuất khẩu và 2 DN nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc về Bắc Giang qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Các DN của Bắc Giang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc về Bắc Giang qua cửa khẩu Lạng Sơn chỉ có thể lựa chọn cảng đích tại Ga quốc tế Đồng Đăng hoặc Ga quốc tế Yên Viên (Hà Nội) mà không được dừng đỗ ở Ga Bắc Giang. Bởi lẽ, 4 ga đường sắt thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang đều không phải ga đường sắt liên vận quốc tế. Vì vậy, DN gặp khó khi lựa chọn sử dụng đường sắt”.
Ga Kép là ga hạng 2 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội (Yên Viên) - Đồng Đăng, là điểm bắt đầu của 2 tuyến đường Kép - Hạ Long - Cái Lân và tuyến đường Kép - Lưu Xá. Hiện nay tại ga có 9 đường đón gửi hàng và xếp dỡ. Thiết bị phục vụ hàng hóa có 2 kho, diện tích 1.200 m2; 2 bãi xếp dỡ nền đất diện tích 4.300 m2; một bãi hàng bê tông hơn 27.000 m2. |
Hơn nữa, năng lực xếp dỡ tại các ga trên tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc) còn nhiều hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi. Vì vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu thông quan, vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của các DN, đặc biệt là các DN trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Việc thành lập Ga đường sắt liên vận quốc tế Kép là hết sức cần thiết, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh của các DN.
Đại diện tập đoàn JA Solar Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) cho biết, hiện tại DN nhập hàng hóa chủ yếu đi đường bộ và đường biển, đường sắt khai thác rất ít do đường sắt của Việt Nam không đáp ứng được tốc độ cũng như yêu cầu về tính liên tục của hàng hóa. Đường sắt hạn chế về số chuyến trong ngày. Đường bộ cần là có thể sắp xếp nhưng đường sắt thì 1 tuần mới có 1 hoặc 2 chuyến, chưa kể chi phí phát sinh do phải ra tận ga Gia Lâm để vận chuyển hàng hóa về DN. Có ga liên vận quốc tế tại Bắc Giang, nếu đáp ứng được nhu cầu của DN thì DN sẽ tính đến việc sử dụng đường sắt để vận chuyển nhiều hơn.
Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, logistics
Ga Kép tạm thời được khai thác liên vận quốc tế mở ra cơ hội lớn cho phát triển KT-XH của Bắc Giang. Khi ga Kép vận hành liên vận quốc tế sẽ thu hút được hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương và các tỉnh lân cận, kỳ vọng sẽ tạo nên “cú hích” cho phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Giang nói riêng và khu vực Đông Bắc Việt Nam như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên; đồng thời sẽ hỗ trợ ga Đồng Đăng và Yên Viên trong hoạt động vận tải liên vận quốc tế.
Xác định tầm quan trọng đó, Bắc Giang cam kết sẽ làm hết khả năng trong phạm vi của địa phương để ga Kép vận hành liên vận quốc tế hiệu quả. Liên quan đến nội dung này, mới đây, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khảo sát thực tế tại ga Kép. Theo đó, đồng chí chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải nghiên cứu nâng cấp mở rộng đường kết nối với ga; huyện Lạng Giang xây dựng phương án tổ chức giao thông, giải tỏa hành lang giao thông; đồng thời phối hợp với đơn vị liên quan bố trí quỹ đất xây dựng khu logistics liền kề, kết nối.
Khu bãi hàng bê tông hơn 27 nghìn m2 tại ga Kép, đáp ứng yêu cầu vận tải liên vận quốc tế hàng hóa bằng đường sắt. |
Ông Thân Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết, đường giao thông hiện đang kết nối với ga nhỏ hẹp, phương tiện tránh nhau khó khăn. Đáp ứng nhu cầu vận hành ga liên vận quốc tế, trước mắt huyện phối hợp khảo sát đầu tư đường kết nối quốc lộ 37 vào ga hàng hoá Kép. Về lâu dài, cùng với bố trí quỹ đất làm khu logistics, huyện xây dựng cảng cạn quy mô 43 ha tại xã Hương Sơn. Từ cảng cạn này đến ga Kép khoảng 5 km, việc vận chuyển cũng tương đối thuận lợi.
Bài, ảnh: Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)